70 Năm Giải phóng Thủ đô – Vang mãi bản hùng ca (10/10/1954 - 10/10/2024)

Hà Nội mùa thu, tháng Mười về mang theo sắc nắng chan hòa cùng những cơn gió chớm lạnh, hương hoa sữa thoang thoảng trên khắp ngõ phố khiến lòng người xao xuyến. Thu Hà Nội mang trong mình nét đẹp bình dị, nồng nàn, nhưng cũng đầy oanh liệt, hào hùng. Cảm xúc thiêng liêng ngày giải phóng 10/10/1954 vẫn lắng đọng trong mọi tầng lớp người dân Hà Nội.

Sáng 10/10/1954, Hà Nội nhộn nhịp, rừng cờ, hoa xen lẫn cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) về hòa bình ở Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) kết thúc, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đánh dấu một chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Tuy vậy, Hà Nội vẫn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong vòng 80 ngày, trong khoảng thời gian này, quân đội Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô. Trước sức mạnh và tinh thần đoàn kết của quân và dân Hà Nội, Pháp phải chấp nhận rút quân khỏi thành phố đúng thời hạn vào cuối tháng 9/1954.

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Từ ngày 08 đến ngày 09/10/1954, Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Theo kế hoạch đã định, các đơn vị quân đội chia nhiều đường từ ngoại thành tiến vào 5 cửa ô chính rồi tỏa đi các nơi. Sáng ngày 10/10/1954, Thủ đô được giải phóng, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ đây, Thủ đô được hoàn toàn giải phóng, Hà Nội sạch bóng quân thù. Lịch sử mảnh đất ngàn năm văn hiến bước sang một trang mới.

19487928 3846 4b30 95ba 9347f28da142

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - BS Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô trong sự hân hoan chào đón của người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

4764f993 7b7f 4d83 80c6 C09a9344a2ab

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ Hà Nội (Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

6a10c095 Ceb8 41a8 8d7f 99c8d9a2f739

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ Hà Nội (Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng thành phố. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, hậu phương lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Untitled 1

Bộ tem “Kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô” phát hành năm 1964

Các phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” đã được các tầng lớp Nhân dân Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng.

Untitled 2

Bộ tem “Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa” phát hành năm 1961

Tháng 6/1966, không quân Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn leo thang đánh phá trực tiếp vào Thủ đô. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu anh dũng, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho mặt trận miền Nam. Một chiến công oanh liệt và tự hào hơn nữa, tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (ngày 27/01/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để quân và dân cả nước viết nên khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Untitled 3

Bộ tem “Miền Bắc bắn rơi 4181 máy bay Mỹ” phát hành năm 1973

Đất nước thống nhất, trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước cũng như bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ngày 16/7/1999, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”; năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Untitled 4

8ca552a0 5b21 42e9 Bbeb 20ec03541b73

 Bộ tem “1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Xây dựng và phát triển” phát hành năm 2010

Mùa thu năm 2024, kỷ niệm tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang và oanh liệt, những bước trưởng thành và phát triển của Hà Nội để thêm tự hào và trách nhiệm với Thủ đô yêu dấu; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục đạt được những thành tựu mới để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của Dân tộc Việt Nam Anh hùng./.