CHÍNH SÁCH BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam luôn coi trọng và nhận biết tầm quan trọng của Dữ liệu cá nhân mà Quý khách hàng đã tin tưởng cung cấp, chia sẻ cho chúng tôi trong quá trình Quý khách hàng tìm kiếm, tiếp cận, tương tác với trang/cổng thông tin điện tử, trang thương mại điện tử, ứng dụng di động hoặc các nền tảng điện tử khác thuộc sở hữu của chúng tôi. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tôn trọng quyền riêng tư của Quý khách hàng và cam kết bảo vệ, xử lý Dữ liệu cá nhân của Quý khách hàng một cách thích hợp, tuân theo quy định của pháp luật.

Bằng việc công khai Chính sách Bảo vệ Dữ liệu cá nhân này (sau đây gọi tắt là “Chính sách”), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện trách nhiệm thông báo xử lý Dữ liệu cá nhân tới Quý khách hàng để hiểu rõ hơn mục đích, phạm vi thông tin, cách thức xử lý, thời gian lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của Quý khách hàng đối với Dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ Dữ liệu cá nhân (bao gồm cả các Quý khách hàng/đối tác đã phát sinh giao dịch, hợp đồng và các Quý khách hàng/đối tác tiềm năng có quan tâm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam).

I. Giải thích từ ngữ

Trong Chính sách này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bưu điện Việt Nam) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; là doanh nghiệp Bưu chính được Nhà nước thành lập và chỉ định thực hiện nhiệm vụ duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao; cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về bưu chính mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

2. Khách hàng: là (i) cá nhân và/hoặc (ii) tổ chức cung cấp Dữ liệu cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, tiếp cận, mua, đăng ký sử dụng, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Bưu điện Việt Nam.

3. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụlà bất kỳ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào do Bưu điện Việt Nam cung cấp và/hoặc do Bưu điện Việt Nam hợp tác với đối tác mà khách hàng tìm kiếm, tiếp cận, mua, đăng ký sử dụng.

4. Chủ thể dữ liệu là cá nhân được Dữ liệu cá nhân phản ánh.

5. Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm Dữ liệu cá nhân cơ bản và Dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

6. Xử lý Dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới Dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy Dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.

II. MỤC ĐÍCH XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Bưu điện Việt Nam kiểm soát, xử lý Dữ liệu cá nhân của khách hàng cho một, một số, nhưng không giới hạn bởi các mục đích sau:

1. Nhận biết, xác minh và duy trì thông tin chính xác về khách hàng, có đầy đủ thông tin liên quan đến bưu gửi: họ tên, địa chỉ, số điện thoại người gửi, người nhận, trừ bưu phẩm không địa chỉ và trường hợp có thỏa thuận khác giữa Bưu điện Việt Nam và khách hàng.

2. Hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm của Bưu điện Việt Nam; tăng cường hiệu quả và tiện lợi cho khách hàng trong việc trao đổi, chia sẻ và gửi nhận các thông tin, tài liệu, hàng hóa và dịch vụ khác.

3. Liên hệ chăm sóc khách hàng, thông báo với khách hàng; để cung cấp các chương trình khuyến mại, ưu đãi, quà tặng, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng.

4. Phát hiện, ngăn chặn, và điều tra tội phạm, tấn công hoặc vi phạm bao gồm cả gian lận, rửa tiền, khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hối lộ, tham nhũng hoặc trốn thuế.

5. Giám sát tuân thủ, kiểm toán, và các mục đích quản trị khác.

6. Phân tích, đánh giá, cải tiến chất lượng dịch vụ mà Bưu điện Việt Nam cung cấp cho khách hàng.

7. Để điều tra, xác minh, rà soát, đánh giá và giải quyết khiếu nại, bồi thường, tranh chấp có liên quan.

8. Thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

III. LOẠI DỮ LIỆU CÁ NHÂN ĐƯỢC XỬ LÝ

Tùy thuộc vào từng hoạt động, dịch vụ với Bưu điện Việt Nam mà khách hàng yêu cầu/quan tâm, Dữ liệu cá nhân mà chúng tôi xử lý có thể bao gồm:

1. Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm:

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có).

- Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

- Giới tính.

- Nơi sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ.

- Quốc tịch.

- Hình ảnh của cá nhân.

- Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; địa chỉ thư điện tử.

- Tình trạng hôn nhân.

- Thông tin liên quan đến các hợp đồng dịch vụ tại Bưu điện Việt Nam.

- Thông tin về cách thức sử dụng dịch vụ, sản phẩm của Bưu điện Việt Nam, các thông tin về sở thích, những mối quan tâm của khách hàng.

- Các thông tin khác được yêu cầu, hoặc có liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm của Bưu điện Việt Nam hoặc khi hợp tác với Bưu điện Việt Nam.

- Các Dữ liệu cá nhân cơ bản khác theo quy định pháp luật được đánh giá là cần thiết hoặc phải thu thập theo quy định pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm bao gồm:

- Tình trạng y tế, sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án (không bao gồm thông tin về nhóm máu).

- Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân.

- Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật.

- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

IV.  TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Để thực hiện Mục đích xử lý Dữ liệu cá nhân theo Chính sách bảo vệ Dữ liệu cá nhân này, Bưu điện Việt Nam có thể chia sẻ Dữ liệu cá nhân của khách hàng cho các tổ chức, cá nhân sau đây:

1. Các đơn vị hoạch toán phụ thuộc, công ty con, công ty liên kết của Bưu điện Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và/hoặc hợp tác với Bưu điện Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn: đơn vị kiểm toán, đơn vị tư vấn, chăm sóc khách hàng của Bưu điện Việt Nam (bao gồm cả dịch vụ tư vấn, pháp lý, tài chính, đầu tư, quản lý dự án, kiểm toán v.v...).

3. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào là bên đại diện, bên được ủy quyền của khách hàng, hành động thay mặt khách hàng.

4. Bên thuê ngoài, bên cung cấp dịch vụ phụ trợ cho Bưu điện Việt Nam, đối tác cung cấp dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin, đối tác cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường; dịch vụ hành chính, văn phòng; in ấn; lưu trữ tài liệu, dữ liệu; dịch vụ viễn thông, dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh hoặc các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, phục vụ khách hàng của Bưu điện Việt Nam.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

V. CÁCH THỨC XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Tùy vào mục đích xử lý Dữ liệu cá nhân cụ thể đã được thông báo và khách hàng đã đồng ý, Bưu điện Việt Nam sẽ tiến hành các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến xử lý Dữ liệu cá nhân phù hợp với các quy định pháp luật. Việc xử lý có thể được thực hiện thông qua áp dụng một hoặc nhiều hoạt động tác động tới Dữ liệu cá nhân như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy Dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.

VI. THỜI GIAN BẮT ĐẦU VÀ THỜI GIAN KẾT THÚC XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Bưu điện Việt Nam thực hiện xử lý Dữ liệu cá nhân của khách hàng kể từ thời điểm dữ liệu được khách hàng cung cấp cho đến khi hoàn thành Mục đích xử lý Dữ liệu cá nhân nêu tại Mục II của Chính sách này và/hoặc đến thời hạn theo quy định pháp luật đối với từng loại Dữ liệu cá nhân cụ thể (bao gồm nhưng không giới hạn bởi các quy định pháp luật về kế toán, phòng, chống rửa tiền, thanh tra, kiểm toán, khác có liên quan).

VII. LƯU TRỮ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

1. Trong khả năng của Bưu điện Việt Nam, sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp hợp lý để bảo vệ Dữ liệu cá nhân của khách hàng.

2. Trong phạm vị các quy định của pháp luật có liên quan, Bưu điện Việt Nam có thể lưu trữ Dữ liệu cá nhân của khách hàng tại Việt Nam và ở nước ngoài, kể cả trên giải pháp lưu trữ điện toán đám mây. Bưu điện Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

3. Bưu điện Việt Nam lưu trữ Dữ liệu cá nhân của khách hàng trong khoảng thời gian cần thiết và hợp lý để hoàn thành các Mục đích. Bưu điện Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về thời hạn lưu trữ Dữ liệu cá nhân kể cả sau khi đã hoàn thành Mục đích nêu trong Chính sách này.

VIII. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA KHÁCH HÀNG

1. Quyền của khách hàng

- Quyền được biết: Khách hàng được biết về hoạt động xử lý Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền đồng ý: Khách hàng được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý Dữ liệu cá nhân của mình. Tuy nhiên, đối với việc xử lý Dữ liệu cá nhân cho các mục đích để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng giữa Bưu điện Việt Nam và khách hàng hoặc thực hiện theo các quy định của pháp luật sẽ không cần xin sự đồng ý của khách hàng.

- Quyền truy cập: Khách hàng được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền rút lại sự đồng ý: Khách hàng được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác. Việc rút lại sự đồng ý xử lý Dữ liệu cá nhân có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng hoặc các quan hệ hợp tác giữa khách hàng và Bưu điện Việt Nam. Do đó, khách hàng cần cân nhắc khi thực hiện quyền này.

- Quyền xóa dữ liệu: Khách hàng được xóa hoặc yêu cầu xóa Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền hạn chế xử lý Dữ liệu cá nhân: Khách hàng được yêu cầu hạn chế xử lý Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của khách hàng, với toàn bộ Dữ liệu cá nhân mà khách hàng yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền cung cấp dữ liệu: Khách hàng được yêu cầu Bưu điện Việt Nam cung cấp cho bản thân Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền phản đối xử lý dữ liệu: Khách hàng được phản đối Bưu điện Việt Nam xử lý Dữ liệu cá nhân của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ Dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị, trừ trường hợp luật có quy định khác; Bưu điện Việt Nam thực hiện yêu cầu của khách hàng trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện: Khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ Dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Quyền tự bảo vệ: Khách hàng có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan và Chính sách này, hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự.

2. Nghĩa vụ của khách hàng

- Tự bảo vệ Dữ liệu cá nhân của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ Dữ liệu cá nhân của mình.

- Tôn trọng, bảo vệ Dữ liệu cá nhân của người khác.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác Dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý Dữ liệu cá nhân.

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến kỹ năng bảo vệ Dữ liệu cá nhân.

- Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ Dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ Dữ liệu cá nhân.

- Trong một số trường hợp, khách hàng có thể cung cấp Dữ liệu cá nhân của các cá nhân khác cho Bưu điện Việt Nam nhằm mục đích thực hiện các giao dịch (ví dụ thông tin về thành viên gia đình hoặc những người trong danh sách liên hệ của khách hàng). Trong trường hợp như vậy, khách hàng phải đảm bảo rằng đã nhận được sự đồng ý hoặc sự ủy quyền hợp lệ của những cá nhân này trước khi thực hiện cung cấp Dữ liệu cá nhân cho Bưu điện Việt Nam. Đồng thời, Bưu điện Việt Nam sẽ không cần thẩm định lại sự chấp thuận này.

- Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

IX. TRÁCH NHIỆM CỦA BƯU ĐIỆN VIỆT NAM

1. Thực hiện các biện pháp tổ chức và kỹ thuật cùng các biện pháp an toàn, bảo mật phù hợp để chứng minh các hoạt động xử lý dữ liệu đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ Dữ liệu cá nhân, rà soát và cập nhật các biện pháp này khi cần thiết.

2. Ghi lại và lưu trữ nhật ký hệ thống quá trình xử lý Dữ liệu cá nhân.

3. Thông báo hành vi vi phạm quy định về bảo vệ Dữ liệu cá nhân theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Bảo đảm các quyền của chủ thể dữ liệu theo quy định pháp luật hiện hành.

5. Chịu trách nhiệm trước khách hàng về các thiệt hại do quá trình xử lý Dữ liệu cá nhân gây ra.

6. Chỉ tiếp nhận Dữ liệu cá nhân sau khi có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết với khách hàng.

7. Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ Dữ liệu cá nhân quy định pháp luật hiện hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

8. Xóa, trả lại toàn bộ Dữ liệu cá nhân cho khách hàng sau khi kết thúc xử lý dữ liệu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

9. Phối hợp với Bộ Công an, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bảo vệ Dữ liệu cá nhân, cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ Dữ liệu cá nhân.

X. HẬU QUẢ, THIỆT HẠI KHÔNG MONG MUỐN KHI XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

1. Bưu điện Việt Nam luôn đặt mục tiêu tuân thủ quy định của pháp luật về bảo mật Dữ liệu cá nhân của khách hàng và sẽ áp dụng các biện pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật phù hợp để bảo vệ an toàn Dữ liệu cá nhân của khách hàng. Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ bảo mật một cách tối đa Dữ liệu cá nhân của khách hàng.

2. Việc xử lý Dữ liệu cá nhân có thể rủi ro và có thể gây ra hậu quả không mong muốn, bao gồm nhưng không giới hạn:

- Lỗi phần cứng, phần mềm trong quá trình xử lý Dữ liệu cá nhân làm mất Dữ liệu cá nhân của khách hàng.

- Lỗ hổng bảo mật nằm ngoài khả năng kiểm soát của Bưu điện Việt Nam, hoặc hệ thống bị hacker tấn công gây lộ lọt Dữ liệu cá nhân của khách hàng.

- Khách hàng tự làm lộ lọt Dữ liệu cá nhân của khách hàng do bất cẩn hoặc bị lừa đảo, hoặc truy cập các website độc hại, tải các ứng dụng có chứa phần mềm độc hại.

- Hậu quả khác mà Bưu điện Việt Nam không thể lường trước được do các nguyên nhân khách quan.

3. Trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc phát hiện hành vi vi phạm đến Dữ liệu cá nhân của khách hàng, Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nỗ lực thực hiện các biện pháp hạn chế, ngăn chặn hậu quả ở mức tối thiểu trong khả năng của Bưu điện Việt Nam.

XI. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHÍNH SÁCH

Bưu điện Việt Nam có quyền sửa đổi, bổ sung Chính sách này bất cứ lúc nào và sẽ thông báo cho khách hàng về các sửa đổi, bổ sung đó trên các trang/cổng thông tin điện tử chính thức (website) của Bưu điện Việt Nam hoặc bằng phương thức phù hợp khác.

Trừ trường hợp có quy định khác về thời gian có hiệu lực, các sửa đổi, bổ sung, đó sẽ được áp dụng ngay tại thời điểm được Bưu điện Việt Nam công bố.

XII. LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu hoặc khiếu nại liên quan đến xử lý Dữ liệu cá nhân theo Chính sách này hoặc khách hàng có nhu cầu tiếp cận và chỉnh sửa Dữ liệu cá nhân, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo phương thức sau:

- Trụ sở các Bưu điện tỉnh/thành phố tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Khách hàng có thể tra cứu địa chỉ cụ thể mạng lưới các Bưu cục tại website: https://vietnampost.vn

- Gửi thư điện tử đến địa chỉ email: cskh@vnpost.vn

- Gọi điện thoại đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 1900 54 54 81

Khách hàng có thể tham khảo thông tin liên hệ tại mục “Hỗ trợ” trên website: https://vietnampost.vn hoặc để lại thông tin tại chatbot trên fanpage của Bưu điện Việt Nam.