Giới thiệu bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024)”

Ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại; là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” và xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20". Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ trương chiến lược và sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng tạo trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thắng lợi hoàn toàn.

Nhằm tri ân công lao to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước đặc biệt với thế hệ trẻ, ngày 05/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024)” tại tỉnh Điện Biên.

Phong Bi Phat Hanh Ngay Dau Tien

Bộ tem gồm 4 mẫu, với phong cách thiết kế đồ họa, nội dung cô đọng, không lặp lại những hình ảnh được thể hiện trên các bộ tem đã phát hành, các mẫu tem được sắp xếp liên hoàn tạo thành câu chuyện bối cảnh xuyên suốt là lòng chảo Điện Biên từ quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng, phát triển của tỉnh Điện Biên nói riêng và của cả nước nói chung.

Mẫu 1: “CHẮC THẮNG MỚI ĐÁNH”

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm của Pháp. Nhờ sự chỉ huy đúng đắn, chuyển phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, cùng sự đồng lòng của quân và dân mà chúng ta đã giành thắng lợi.

Tem 70 Dbp 1

Hình ảnh chính trên mẫu tem là đoàn quân đang kéo pháo vào trận. Nền tem thể hiện hình ảnh Sở chỉ huy tại Mường Phăng được bố trí bên trái nhằm minh họa cho mẫu tem (đây là hình ảnh lần đầu tiên được nhắc đến và thể hiện trên tem bưu chính), bên cạnh đó là hình ảnh máy bay địch đang đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên để tạo nên một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ nhằm chi phối chiến trường Đông Dương, chính vì vậy mà màu sắc khung cảnh trở nên u ám.

Mẫu 2: “CẢ NƯỚC RA TRẬN”

Để huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của, tất cả vì tiền tuyến, vì sự nghiệp chống ngoại xâm, từng đoàn dân công hỏa tuyến, người dân trên toàn quốc, cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên, Tây Bắc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hình ảnh chính trên mẫu tem là đoàn dân công hỏa tuyến tải đạn, lương thực… phục vụ chiến trường. Nền tem là hình ảnh Bộ đội ta đánh chiếm và kéo cờ trên nóc hầm chỉ huy của Pháp, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Màu sắc trên nền mẫu tem được thể hiện tối sẫm, cây cối bị từng đợt bom đạn dội xuống… nhưng không cản được ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.

Tem 70 Dbp 2

Hình ảnh sở chỉ huy của 2 bên được thể hiện trên mẫu 1 và mẫu 2 nhằm miêu tả tính đối lập, đấu trí cam go… và kết quả phần thắng thuộc về chính nghĩa, thuộc về sự anh dũng kiên cường của quân và dân Việt Nam.

Mẫu 3: “BÀI CA KHÔNG QUÊN”

Khắc ghi và biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc thể hiện bằng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo chăm sóc cho thương bệnh binh, quân nhân, gia đình chính sách… được thể hiện qua hình ảnh nhóm cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, thăm Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài chiến thắng; lấy đó làm động lực và tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, quyết tâm giữ vững thành quả cha ông để lại, duy trì nền hòa bình, tự do, tiếp bước cha ông xây dựng tổ quốc Việt Nam. Nền tem là hình ảnh lễ ký Hiệp định Giơ-ne-vơ đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được các nước, kể cả Pháp phải cam kết tôn trọng.

Tem 70 Dbp 3

Mẫu 4: “PHỒN VINH, HẠNH PHÚC”

Sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước để đem lại độc lập, hòa bình cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cô gái dân tộc Thái đang chào đón các em thiếu nhi các dân tộc tung tăng tới trường với niềm hân hoan, hạnh phúc. Nền tem là hoa ban nở rợp trời trên vùng đất chiến trường Điện Biên năm xưa, nay đã mọc lên các công trình phục vụ dân sinh, phục vụ sự phát triển kinh tế như trường học, nương lúa chín vàng, xe năng lượng xanh, cảng hàng không hiện đại, máy bay cất cánh… Tất cả nhằm truyền tải thông điệp về sự đổi mới của Điện Biên nói riêng và của đất nước nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển.

Tem 70 Dbp 4

Họa tiết dân tộc Thái được khéo léo thể hiện làm nền cho 04 mẫu tem, giới thiệu tính đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Bộ tem có khuôn khổ tem 43 x 32 (mm), giá mặt lần lượt là 4000đ, 4000đ, 6000đ, 15000đ, do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 05/5/2024 đến ngày 31/12/2025.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành một số bộ tem chủ đề Điện Biên Phủ:

- Bộ tem “Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954)” mã số 011, gồm 4 mẫu, phát hành ngay trong tháng 10/1954. Bộ tem có khuôn khổ 45x33 (mm), do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế, in ốp-sét hai màu tại nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Thể hiện trên tem là hình tượng người chiến sĩ Điện Biên đứng hiên ngang trên nóc hầm tướng Pháp De Castries, nhưng được in thay màu và đổi giá. Ba mẫu tem đầu có giá mặt lần lượt 10 đồng, 50 đồng và 150 đồng; mẫu tem cuối cùng là tem sự vụ (tem được sử dụng trong việc chuyển phát thư từ công vụ), giá mặt tính bằng Kg thóc (0Kilo600).

Tem Dbp 1954

Đặc biệt, họa sĩ Bùi Trang Chước, là người Việt Nam đầu tiên vẽ tem bưu chính ở Đông Dương và là họa sĩ vẽ mẫu quốc huy Việt Nam, ông cũng là tác giả thiết kế nhiều bộ tem quý trong lịch sử tem bưu chính Việt Nam, tiêu biểu là: ‘Kỷ niệm lần thứ 61 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh’ gồm 3 mẫu phát hành năm 1951; ‘Cải cách ruộng đất’ gồm 7 mẫu phát hành năm 1955; ‘Mừng Chính phủ về Thủ đô (1/1/1955)’ gồm 4 mẫu, phát hành năm 1956; ‘Đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan’, ‘Anh hùng Cù Chính Lan (1930 -1952)’, ‘Trần Đăng Ninh (1910 – 1955’ và ‘Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927-1951)’ cùng được phát hành năm 1956.

- Bộ tem “Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (mã số 144) gồm 04 mẫu tem và 01 blốc, do họa sĩ Trần Lương thiết kế, được phát hành ngày 07/5/1964. Với những hình ảnh “Kéo pháo”, “Bao vây Mường Thanh”, “Phá bom nổ chậm” và “Điện Biên ngày nay”, bộ tem đã tái hiện lại không khí chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa cũng như hình ảnh Điện Biên thời điểm 10 năm sau chiến thắng.

Các mẫu tem có giá mặt lần lượt là 3 xu, 6 xu, 12 xu và 12 xu, khuôn khổ 39x26 (mm), in ốp-sét hai màu tại nhà in Tiến Bộ; riêng mẫu blốc có giá mặt 33 xu, khuôn khổ 107x75 (mm) được in ốp-sét nhiều màu.

Tem 10 Nam Dbp

Tem 10 Nam Dbp Bloc

- Bộ tem “Kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (mã số 286) gồm 02 mẫu tem “Quyết chiến, quyết thắng” và “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, đều có giá mặt 12 xu với khuôn khổ 28x41 (mm). Bộ tem do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế, in ốp-sét ba màu tại nhà in Tiến Bộ và được phát hành ngày 07/5/1974.

Tem 20 Nam Dbp

- Được phát hành ngày 07/5/1984, bộ tem “Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (mã số 440) gồm 07 mẫu tem khuôn khổ 44x33 (mm) và 01 blốc khuôn khổ 100x110 (mm). Bộ tem do họa sĩ Huy Toàn thiết kế, tái hiện những hình ảnh tiêu biểu trong quá trình quân và dân ta chiến đấu và giành chiến thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ, như: “Họp Bộ chỉ huy mặt trận”, “Hành quân ra trận”, “Dân công hỏa tuyến”, “Kéo pháo”, “Bắn rơi máy bay địch”, “Đánh chiếm cứ điểm” và “Trên hầm Đờ Cát”; blốc tem thể hiện bản đồ mặt trận và hình ảnh một cuộc họp Bộ chỉ huy chiến dịch. Bộ tem được in ốp-sét nhiều màu tại Cu-ba.

Tem 30 Nam Dbp

Tem 30 Nam Dbp Bloc

- Bộ tem “Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994)” (mã số 683) được phát hành ngày 07/5/1994, với 02 mẫu tem khuôn khổ 43x24 (mm). Họa sĩ thiết kế Trịnh Quốc Thụ đã tập trung thể hiện hình ảnh “Kéo pháo với trận địa” (mẫu tem giá mặt 400 đồng) và “Mừng chiến thắng” (mẫu tem 3000 đồng), bên góc trái mỗi mẫu tem có hình ảnh Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Bộ tem được in ốp-sét 3 màu tại Xí nghiệp In Tem Bưu điện.

Tem 40 Nam Dbp

- Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 2004)” (mã số 922) được phát hành ngày 04/5/2004, gồm 02 mẫu tem và 01 blốc khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng không khí của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước tại mảnh đất Điện Biên những năm đầu thế kỷ 21. Các mẫu tem có khuôn khổ 43x32 (mm), giá mặt 800 đồng và 5000 đồng, mẫu blốc có khuôn khổ 90x70 (mm), giá mặt 8000 đồng. Bộ tem do hoạ sĩ Vũ Kim Liên thiết kế, in ốp-sét nhiều màu tại Công ty In Tem Bưu điện.

Tem 50 Nam Dbp

- Bộ tem "Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014)” (mã số 1046) được phát hành theo nghi thức đặc biệt ngày 05/5/2014, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bộ tem gồm 01 mẫu tem có giá mặt 3000 đồng, thể hiện hình ảnh Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh hoa Ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Bộ tem do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế và được in ốp-sét nhiều màu tại Công ty In Tem Bưu điện.

Tem 60 Nam Dbp