Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng được xếp hạng di tích Lịch sử cấp thành phố

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 20/9/2024 về việc xếp hạng di tích Lịch sử cấp thành phố đối với Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng nằm trên địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là di tích gắn với 596 anh hùng, liệt sĩ lực lượng giao bưu, thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc.

Dai Tuong Niem Di Tich 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cùng đoàn đại biểu viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ
ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng nhân ngày truyền thống Ngành Thông tin và Truyền thông

Trong những năm 1950 - 1953, địch tăng cường khủng bố, đánh phá, tung gián điệp lén lút dò mạng lưới liên lạc của ta, làm cho hoạt động giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn. Hình thức hoạt động của ngành bưu điện lúc bấy giờ gồm các hoạt động: Cắt đường dây điện thoại, trực chiến tại tổng đài để đảm bảo cho thông tin liên lạc được thông suốt, sửa chữa đường dây thông tin liên lạc, kiên cường bám trụ, bám tổng đài để giữ vững liên lạc...

Từ năm 1954 - 1975, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, ngành thông tin liên lạc Quảng Nam - Đà Nẵng đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ nhằm đảm bảo cho thông tin liên lạc được kịp thời, thông suốt. Cùng với sự di chuyển liên tục của Tỉnh ủy lúc bấy giờ, các nhánh liên lạc không ngừng dịch chuyển theo, bám sát yêu cầu thực tiễn, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu. 

Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành Giao bưu Quảng Nam - Đà Nẵng đã hy sinh và bị thương tật hàng ngàn đồng chí, đã đặt 130 trạm giao liên, đi chặng đường nối dài 25 triệu km; nhận chuyển phát 22.200.000 công văn, tài liệu, báo chí, 20.300.000 lá thư; vận chuyển gần 3.350 tấn vũ khí đạn dược; đưa đón 540.000 lượt cán bộ; rải 700 km dây đôi, đặt 415 tổng đài, máy điện thoại, tiếp dây 380.600 cuộc đàm thoại, nhận chuyển hàng triệu bức điện báo; chiến đấu 275 trận giữ vững đường dây liên lạc.

Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, lực lượng giao bưu Quảng Nam - Đà Nẵng đã vào tiếp quản thành phố với 200 đồng chí và từng bước ổn định được tổ chức và mạng lưới. Với biết bao sự tích, sự kiện là những dấu ấn lịch sử về những đóng góp của lực lượng giao bưu thông tin trong suốt hai cuộc kháng chiến. các đồng chí lãnh đạo Ngành Giao bưu lúc bấy giờ đã tiến hành thống kê được 596 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh; đồng thời, đã chọn địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm tại khu vực phường Khuê Mỹ (thuộc khu căn cứ lõm K20), quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Công trình Đài tưởng niệm lúc đầu được xây dựng bằng công sức của anh em ngành Bưu điện (tranh thủ ngày nghỉ để tham gia lao động xã hội chủ nghĩa tại công trình). Năm 1990, giai đoạn đồng chí Hồ Thế làm giám đốc, Đài tưởng niệm có thêm được nguồn kinh phí từ ngân sách để chỉnh trang, tôn tạo. Đến năm 2008, khi ngành Bưu chính Việt Nam chia tách và hoạt động độc lập với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; đồng thời, thành phố Đà Nẵng thực hiện chinh trang đô thị, mở rộng đường Lê Văn Hiến, Bưu điện thành phố đã triển khai dự án từ nguồn ngân sách của đơn vị để làm lại tường rào, cổng ngõ... giúp cho di tích được khang trang, bề thế như ngày hôm nay.

Dai Tuong Niem Di Tich 1

Lãnh đạo Bưu điện thành phố Đà Nẵng cùng các cô chú giao bưu viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ
ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7

Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày thành lập ngành Bưu điện (15/8) và ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (28/8), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Các hội, đoàn thể, học sinh trên địa bàn phường, quận thường tổ chức thắp hương vào các ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), lễ Tết. Dân cư địa phương vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng thường xuyên đến thắp hương như một nghĩa cử cao đẹp mang tính thường lệ. Đặc biệt, các ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành khác cũng thường đến phúng viếng mỗi lần có dịp công tác tại thành phố Đà Nẵng.

Đài tưởng niệm được xếp hạng di tích cũng là tâm nguyện của các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Bưu điện thành phố Đà Nẵng và là mong mỏi của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông.

Thời gian qua, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý, đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, đề xuất UBND thành phố xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND phường Khuê Mỹ thực hiện việc quản lý, bảo vệ di tích theo đúng quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.

Giao Thủy