Phát huy sức mạnh nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương để phát triển bền vững

Đây là một trong những giải pháp được Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cụ thể hoá nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 09-CTr/ĐUK, ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Nhận thức đúng, hành động quyết liệt

Được Bộ Chính trị phát động vào năm 2009, qua 15 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành làn sóng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân, các doanh nghiệp trong nước. Cuộc vận động cũng được Đảng bộ Khối DNTW quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành Chỉ thị số 01-CT/ĐUK, ngày 21/12/2015 về chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau.

Tại Bưu điện Việt Nam, Cuộc vận động được Đảng uỷ Tổng công chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm gắn với đặc thù hoạt động SXKD của Tổng công ty. Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn khẳng định vai trò, vị thế Doanh nghiệp Bưu chính Quốc gia, đóng góp vào nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt, Đảng uỷ Tổng công ty luôn xác định việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các thoả thuận hợp tác (TTHT) giữa Tổng công ty và các đơn vị trong Khối là một trong những giải pháp SXKD quan trọng để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh hàng năm.

Vietnam Post Ky Ttht Voi Vinatex

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác

Từ năm 2017 đến nay, Đảng ủy Tổng công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo Bưu điện Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với 28/38 Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng, đơn vị trong Khối. Tuy nhiên, xét trên phương diện hiệu quả mang lại, kết quả thực hiện chưa tương xứng với năng lực phục vụ, lợi thế của Tổng công ty, các đơn vị cũng như tiềm năng của thị trường.

Nhằm mở rộng việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến các doanh nghiệp trong Khối, khai thác tối đa tiềm năng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do Tổng công ty cung cấp; đồng thời, phấn đấu nâng tỷ trọng doanh thu từ nhóm khách hàng đặc biệt này (chiếm từ 5-10%) trong cơ cấu doanh thu của Tổng công, trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung  rà soát, đánh giá lại các Thỏa thuận hợp tác; tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, năng lực phục vụ của Tổng công ty đến các doanh nghiệp trong Khối thông qua việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động trên Cổng thông tin điện tử; các kênh truyền thông số do Tổng công ty quản lý để đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động người tiêu dùng biết, hiểu về chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Bưu điện Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ tiếp tục giới thiệu, cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời Danh mục sản phẩm do Bưu điện cung cấp và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng do Bưu điện nghiên cứu, xây dựng, phát triển. Ngoài ra, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, bán sản phẩm hàng hóa và sản phẩm đặc sản vùng miền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên môi trường trực tuyến như sàn giao dịch thương mại điện tử buudien.vn, website bán hàng; kết nối với liên minh bưu chính thế giới để tăng cơ hội xuất khẩu. Đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Tổng công ty; đa dạng hóa các kênh bán hàng tiện ích, đưa hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm mới, chất lượng cao, được người dùng tin cậy. Chủ động tiếp cận, đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối để phát triển dịch vụ. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp trong Khối phù hợp với điều kiện thực tế tại Tổng công ty; Mở rộng việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến các doanh nghiệp trong Khối nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do Tổng công ty cung cấp. Trước mắt sẽ thành lập các tổ công tác kết nối, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối trên cơ sở khai thác thế mạnh, sử dụng chéo các sản phẩm, dịch vụ của nhau để đem lại lợi ích cho cả 2 bên.

Cần lắm sự vào cuộc của các cấp uỷ trực thuộc trong Khối

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra lộ trình, mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giữ vai trò quan trọng trong định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc các tập đoàn, tổng công ty tham gia tích cực vào việc triển khai Cuộc vận động, ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo tinh thần Chỉ thị 01-CT/ĐUK của Đảng uỷ Khối sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh, thúc đẩy hoạt động SXKD phát triển, tạo ra nhiều giá trị cho các bên, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. 

Hinh Minh Hoa Vnp (4)

Việc các tập đoàn, tổng công ty tham gia tích cực vào việc triển khai Cuộc vận động, ưu tiên
sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh, thúc đẩy hoạt động SXKD phát triển

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của các Đảng uỷ trực thuộc và người đứng đầu các cấp. Trước mắt là lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng yêu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, năng lực, thế mạnh của đơn vị mình và đối tác. Từ đó lựa chọn các nội dung hợp tác phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để xây dựng phương án tiếp thị khách hàng. Xác định rõ trọng tâm, chi tiết, cụ thể, bám sát thực tiễn tình hình đơn vị, thị trường để kết nối, đàm phán ký kết hợp đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Thường xuyên rà soát việc thực hiện các hợp đồng, kịp thời đề xuất các khó khăn, vướng mắc để có các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, các chương trình ưu đãi với từng đối tượng khách hàng trong Khối. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối. Tổng kết, đánh giá, đề xuất các giải pháp triển khai hàng tháng. Chủ động trao đổi, báo cáo Đảng ủy Khối trong việc hợp tác, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối để cùng tháo gỡ.

Với những nỗ lực của Bưu điện Việt Nam, sự vào cuộc sát sao của các Đảng uỷ trực thuộc, người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động sẽ góp phần phát huy sức mạnh nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương để phát triển bền vững.

Minh Nga Bui – Chi bộ CQTMGV