Tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp”

Do sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực bưu chính giờ đây không còn ranh giới cứng như trước là chỉ đơn thuần thực hiện các lĩnh vực thư, từ hoặc chuyển phát bưu gửi mà các dịch vụ bưu chính ngày càng đa dạng hơn. Bản thân việc chuyển phát cũng thay đổi về phương thức hoạt động, thời gian nhanh chóng hơn,  an toàn hơn. Tuy nhiên một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của bưu chính là năng suất lao động vẫn còn thấp, trong khi đó lĩnh vực này lại đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt, các quy định về ngành nghề quản lý lĩnh vực bưu chính không chặt chẽ như các ngành khác.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, sự cạnh tranh tại thị trường bưu chính đang rất khốc liệt. Các doanh nghiệp bưu chính đang áp dụng nhiều giải pháp để chuyển đổi mạnh mẽ trong hoạt động. Các doanh nghiệp đa quốc gia tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh quá trình đổi mới  phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin vào từng công đoạn, từng dịch vụ

 

Bưu điện Việt Nam đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng

Ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử cũng cho rằng, bưu chính chuyển phát đang dần trở thành một ngành hạ tầng Logistic, tham gia sâu vào chuỗi phát triển mua sắm trực tuyến cả trong nước và quốc tế. Hiện nay nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng nhanh, do đó tiềm năng của thị trường chuyển phát đang rất lớn. Nắm bắt được xu hướng này, các doanh nghiệp bưu chính của Việt Nam đều đưa ra các giải pháp chuyển phát riêng cho thương mại điện tử. Xu hướng chung là rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng chuyển phát ngày càng được nâng lên, chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng luôn được chú trọng. Tuy nhiên so với yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát vẫn chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu của khách hàng.

 “Trong thời đại công nghệ thông tin  4.0, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát phải đặc biệt chú trọng tới ứng dụng công nghệ để có điều kiện nền tảng nâng cao năng suất lao động. Thay vì nhận đơn hàng bằng tay, ghi chép đơn hàng bằng tay, doanh nghiệp bưu chính cần sử dụng các phần mềm mới, các app tiện lợi , thậm chí cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động bưu chính. Ngoài ra Bộ TT&TT cũng cần đẩy nhanh quá trình định danh mã bưu chính để sớm ứng dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp bưu chính”, ông Trọng chia sẻ thêm.

 

Phó Tổng giám đốc Chu Thị Lan Hương khẳng định, Bưu điện Việt Nam sẵn sàng tham gia vào
Ban vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính trong thời gian tới

Cũng tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp”, việc thành lập  Hiệp hội Bưu chính đã được cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bưu chính cùng  trao đổi, thảo luận. 11 doanh nghiệp bưu chính tham gia hội thảo cho rằng cần thiết thành lập Hiệp hội bưu chính.  Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ, môi trường kinh doanh trên thị trường bưu chính đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp cung cấp dưới giá thành khiến các doanh nghiệp bưu chính hoạt động đúng quy định bị ảnh hưởng. Do đó nên xúc tiến việc thành lập hiệp hội Bưu chính để tạo được tiếng nói chung và sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong Hiệp hội, góp phần  đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh bưu chính, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ môi trường kinh doanh và quyền lợi khách hàng.