Bưu điện Thái Bình: Tiết kiệm nhân lực là tăng năng suất

Để có được con số đó, quả là sự nỗ lực không ngừng trong vô vàn khó khăn chung của ngành Bưu điện.
Tăng trưởng âm
Bà Trần Thị Bình, Giám đốc BĐTB cho biết: "Sáu tháng đầu năm nay, tuy BĐTB đạt 44,4% kế hoạch nhưng với doanh thu tính tiền lương thì chỉ đạt 41,7% kế hoạch, tăng trưởng -2% so với cùng kỳ năm 2010".
Trên thực tế, thời gian qua, nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính truyền thống (BCTT) ở Thái Bình ngày càng giảm, bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuyển phát khác (kể cả tư nhân) luôn cạnh tranh bằng những lợi thế riêng. Chính vì vậy, sản lượng các dịch vụ BCTT đạt thấp so với kế hoạch và giảm nhiều so với cùng kỳ. Doanh thu tại các điểm BĐVHX cũng rất thấp và vẫn có xu hướng giảm. Doanh thu dịch vụ VT-CNTT, tuy 6 tháng đầu năm đạt 49%, nhưng chủ yếu do nỗ lực trong việc bán thẻ, còn các chỉ tiêu khác kết quả đạt được vẫn còn thấp.
Chính những khó khăn trên đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người lao động trong đơn vị. Có lúc, có nơi đã có tư tưởng buông xuôi, không nỗ lực tìm biện pháp khắc phục. Đây chính là cái khó lớn nhất đối với BĐTB trong thời gian 6 tháng qua.
Bài toán tiết kiệm nhân lực
Với những khó khăn do khách quan, BĐTB vẫn duy trì mạng lưới hoạt động ổn định song song với việc đầu tư, nâng cao năng lực kinh doanh để mở rộng các dịch vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng (bán vé máy bay, hồ sơ xét tuyển, sách giáo khoa, bảo hiểm...). Đặc biệt, BĐTB đã rà soát lại toàn bộ chính sách đối với khách hàng, chế độ hoa hồng cho các đại lý và thù lao cho các đối tượng là cộng tác viên của tất cả các dịch vụ để xem xét, điều chỉnh (trong quy định cho phép), tạo sự hấp dẫn để tiếp tục giữ và phát triển khách hàng. Việc mở rộng các kênh bán hàng qua đại lý, cộng tác viên cũng được đẩy mạnh.
Nhằm tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động, BĐTB đã tăng cường đầu tư cho mạng tin học. Hiện BĐTB đã có 36 bưu cục online với nhiều chương trình phần mềm được sử dụng như: Paypost, Epost, CT2003, bưu phẩm bưu kiện (BPBK) ghi số, EMS, CFM... Nhờ đó, chất lượng dịch vụ được nâng lên, nhiều dịch vụ được mở rộng, triển khai xuống bưu cục 3, điểm BĐVHX như dịch vụ chuyển tiền nhanh, phát sản phẩm IPost, thu hộ, bán mã thẻ điện tử, M-Service...
Lực lượng lao động tại các bộ phận được rà soát, nghiên cứu bố trí lại một cách hợp lý, tinh gọn và có hiệu quả nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, tăng năng suất lao động. Cụ thể như việc việc nghiên cứu quy định lại giờ mở cửa của các bưu cục 3 (BC3), các điểm BĐVHX bởi lượng khách hàng đến bưu cục ngày càng giảm đi, việc mở cửa theo quy định cũ gây lãng phí thời gian và nhân lực. Theo đó, thay vì phải trực 8-12 giờ/ngày, nay nhân viên BC3 chỉ trực 6 giờ/ngày, thời gian còn lại, nhân viên sẽ trực tiếp đi vận chuyển BPBK. Đối với nhân viên điểm BĐVHX, thời gian trực cũng là 6 giờ/ngày, ngoài ra là dành thời gian đi thu cước viễn thông và phát triển các dịch vụ tại địa chỉ. Tại các đơn vị trực thuộc BĐTB đã bổ sung 01 chức danh về tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Nhân viên này có nhiệm vụ đến tận nhà (khách hàng) KH để thu gom BPBK, đồng thời tìm hiểu tâm tư của KH, nếu KH có thắc mắc gì hoặc có ý định bỏ dịch vụ của BĐTB thì nhân viên CSKH sẽ giải đáp, tư vấn, động viên KH tiếp tục sử dụng dịch vụ của đơn vị... Bên cạnh đó, họ còn có nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của KH để phát triển dịch vụ. BĐTB cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị trong việc phát triển đội ngũ cộng tác viên, các đại lý nhằm tiếp tục mở rộng kênh bán hàng để phát triển các dịch vụ.
Theo bà Trần Thị Bình, trong những tháng cuối năm, BĐTB sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thành 100% kế hoạch giao. Đặc biệt, BĐTB sẽ triển khai, quán triệt những nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ phận, từng cá nhân để thực hiện một cách hiệu quả nhất.
ICTnews