Với tôi Bưu điện Việt Nam là Bưu điện Nhân dân

"Bưu điện Việt Nam" – cái tên mộc mạc nhưng chứa đựng cả một hành trình phụng sự bền bỉ, nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân người bưu điện. 80 năm hình thành và phát triển, âm thầm mà nghĩa tình, Bưu điện Việt Nam không chỉ chuyển phát hàng hóa, mà còn chuyển đi niềm tin, kết nối cộng đồng và lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc.

"Bưu điện Nhân dân Việt Nam" – Một cái tên xứng đáng cho hành trình 80 năm phụng sự đất nước

Trong suốt 80 năm hình thành và phát triển, Bưu điện Việt Nam không chỉ là cánh tay nối dài của ngành Thông tin - Truyền thông, mà còn là người bạn đồng hành thủy chung, lặng lẽ phụng sự Nhân dân. Trải qua biết bao giai đoạn lịch sử - từ kháng chiến, xây dựng đất nước đến đổi mới và hội nhập, Bưu điện chưa bao giờ vắng mặt trong đời sống của cộng đồng. Ngày nay, giữa bối cảnh chuyển đổi mô hình tổ chức, tinh gọn bộ máy hành chính, tinh thần ấy không hề mai một, mà càng thêm sáng rõ, thấm đẫm giá trị nhân văn và bản sắc phục vụ cộng đồng.

Bởi vậy, gọi Bưu điện Việt Nam là "Bưu điện Nhân dân Việt Nam" không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là cách gọi đúng bản chất và sứ mệnh cốt lõi – doanh nghiệp bưu chính của Nhân dân, vì Nhân dân và từ Nhân dân mà lớn mạnh.

Những con đường chưa từng vắng bóng người bưu điện

Trong những tháng ngày gian khó nhất của đại dịch COVID-19, khi cả đất nước "đóng băng", người dân hạn chế đi lại, thì những chiến binh áo vàng của bưu điện vẫn lặng lẽ bám đường. Họ đi qua những con ngõ vắng, vượt núi, băng rừng, mang theo thuốc men, khẩu trang, hỗ trợ của Chính phủ, thẻ BHYT, lương hưu, tiền trợ cấp cho người già, người yếu thế, người lao động mất việc… đến từng nhà dân.

Không phải ai cũng biết rằng, trong thời điểm ấy, người bưu điện chính là “người cuối cùng rời khỏi địa bàn” cũng như người ở lại đến phút chót để đảm bảo từng món hàng thiết yếu, từng khoản chi trả an sinh được trao đến đúng tay người dân. Đó không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là sứ mệnh vì dân, vì sự sống, vì tình người.

Những dịch vụ thầm lặng nhưng đầy nhân văn

Bưu điện ngày nay đã vượt xa vai trò là một đơn vị chuyển phát truyền thống. Thay vào đó, Bưu điện chính là người bạn đồng hành của người dân – nhất là ở những địa phương mà nhiều dịch vụ chưa thể vươn tới. Từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa – nơi nào có người dân, nơi đó có bóng dáng của người bưu điện.

Bưu điện cũng là đơn vị chi trả lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, thực hiện chính sách an sinh, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh. Họ đi vào từng thôn bản để phát sách giáo khoa, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho học sinh nghèo. Họ là điểm tựa công nghệ cho người dân vùng cao tiếp cận dịch vụ công, không phải đi hàng chục cây số để làm giấy tờ hành chính.

Thầm lặng mà vĩ đại – đó là những gì Bưu điện đã, đang và sẽ luôn làm. Chính từ sự thầm lặng ấy, Bưu điện ngày càng khẳng định được giá trị nhân văn sâu sắc trong lòng xã hội.

Phục vụ Đảng – Chính quyền – Nhân dân: Một chặng đường không ngơi nghỉ

Ngay từ những ngày đầu thành lập, ngành Bưu điện đã xác định phương châm phục vụ rõ ràng và đầy khí chất qua 10 chữ vàng truyền thống: "Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình", cùng phương châm hành động: "Nhanh chóng – Chính xác – An toàn – Tiện lợi – Văn minh".

Tinh thần ấy đã theo suốt hành trình 80 năm của Bưu điện – từ những năm kháng chiến truyền tin qua rừng núi, đến thời kỳ đổi mới hội nhập, và giờ đây là thời đại chuyển đổi số và tinh gọn chính quyền.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đồng loạt thực hiện mô hình chính quyền hai cấp (cấp tỉnh – cấp xã), Bưu điện chính là lực lượng đầu tiên có mặt tại các xã, phường. Ngay từ những ngày đầu triển khai, người bưu điện đã có mặt tại các điểm phục vụ hành chính công, hỗ trợ hướng dẫn người dân kê khai, làm thủ tục giấy tờ, nộp hồ sơ trực tuyến…

Không còn khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân khi người bưu điện trở thành cầu nối giúp chính quyền gần dân hơn, thủ tục gọn nhẹ hơn, dịch vụ thân thiện hơn. Họ không chỉ là bưu tá hay giao dịch viên nữa, mà đã trở thành những người phục vụ Nhân dân theo đúng nghĩa. Một người, một điểm phục vụ – đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò: tiếp nhận – hướng dẫn – chuyển phát – hỗ trợ – tư vấn.

Bưu điện giờ đây là nơi người dân có thể làm các thủ tục hành chính (hộ tịch, BHXH, BHYT, CCCD...); nhận trợ cấp, lương hưu; gửi và nhận hàng hóa; mua bảo hiểm, sản phẩm thiết yếu, tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô… Tất cả gói gọn trong một điểm phục vụ, thân thiện – thuận tiện – gần dân.

Một cái tên – Một niềm tin – Một sứ mệnh

Gọi Bưu điện Việt Nam là "Bưu điện Nhân dân Việt Nam" bởi lẽ trong từng bước chân, từng chuyến đi, từng lá thư, từng nụ cười, đều hiện lên hình ảnh người bưu điện sống và làm việc vì dân.

Họ không cần những lời tung hô, chỉ cần được Nhân dân ghi nhận, yêu quý và tin tưởng. Sự có mặt của Bưu điện tại những nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất, trong những thời điểm thử thách nhất – chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Cái tên ấy không chỉ là sự tôn vinh, mà còn là niềm tin vững chắc – rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bưu điện cũng luôn ở đó, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân, và từ Nhân dân mà lớn mạnh – trường tồn.

Hoàng Thanh Việt (BĐT Lạng Sơn)