Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 04/06/2012

Chợ tem, đánh thức quá khứ 


Như thông lệ, gần 10 năm qua, cứ sáng chủ nhật hằng tuần, bất kể trời mưa hay nắng, người yêu tem Thủ đô đều tìm đến vỉa hè trước ngôi nhà số 160 phố Triệu Việt Vương để… họp chợ tem! Tên chợ đã kỳ lạ, cách thức trao đổi, mua bán loại hàng hóa này cũng như đối tượng tham gia lại càng đặc biệt hơn. 


Quay lưng với ồn ào


Người đến chợ tem lần đầu hẳn không khỏi bỡ ngỡ bởi nhắc đến chợ, ai cũng có thể mường tượng ra cảnh mua bán eo xèo, nhộn nhịp nhưng chợ tem trên phố Triệu Việt Vương lại khác. Trong sân ngôi nhà số 160 xếp sẵn vài chồng ghế nhựa, ai đến họp chợ tự động gửi xe, lấy ghế, chọn cho mình một chỗ ngồi gọn ghẽ trên vỉa hè và gọi cho mình một ly cà phê hay trà đá. Mỗi tuần chỉ họp một “phiên” nhưng chợ tem thu hút đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, từ ông chạy xe ôm đến công nhân viên chức; từ cụ già tám mươi đến các cô cậu học trò… tất cả đều quây thành từng nhóm trò chuyện, trao đổi và chiêm ngưỡng các bộ sưu tập của nhau. 
Lúc đầu chợ được hình thành do một nhóm người chơi tem hẹn nhau uống trà đá, cà phê trên phố Triệu Việt Vương, dần dần có thêm nhiều người tham gia rồi cùng nhau duy trì một hoạt động tinh thần bổ ích thỏa mãn sở thích nhìn ngắm và tìm hiểu về tem.


Thường thì tại chợ tem hoạt động chủ yếu bằng các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi… nhiều hơn là bán mua. Tuy vậy, một buổi sáng chủ nhật cũng có khoảng dăm lượt khách mang tem đi bán. Điều thú vị là con tem ở chợ cũng được định giá như một thực thể có sự sống bằng những cụm từ: Tem sống (tem tươi) và tem chết. Tem sống là tem chưa qua sử dụng, tem chết là tem đã qua sử dụng, có dấu nhật ấn. Tem cũng được chia ra nhiều loại từ trong nước đến ngoài nước, cổ điển đến hiện đại. Mỗi loại có mức giá khác nhau, mỗi người chơi cũng có những sở thích riêng. Một con tem lẻ được bán với giá từ 1000 đến 2000 đồng, những tem theo bộ hoặc quý hiếm mang dấu ấn lịch sử và văn hóa thì đắt hơn và giá cả cũng dao động phụ thuộc vào nhu cầu của người mua. Điển hình như bộ tem về anh hùng Mạc Thị Bưởi phát hành năm 1956 gồm 4 mẫu được họa sĩ Bùi Quang Chước thiết kế có giá trên dưới 7 triệu đồng. Nếu một số ngành sưu tập khác như: Đồ cổ, cây cảnh… cần sự đầu tư lớn về tiền bạc thì người sưu tập tem cũng cần sự đầu tư về thời gian và kiến thức nhiều hơn. Điều đó một phần cũng lý giải vì sao người chơi tem lại phong phú về nghề nghiệp, tuổi tác đến vậy. 

 

 

 
Một góc chợ tem Triệu Việt Vương.


Nửa ngày đàng - một sàng khôn


Có một điều ít ai để ý rằng, mỗi con tem chỉ được phát hành một lần chứ không tái bản, vậy nên việc giữ lại những con tem ấy cũng là cách lưu giữ những hình ảnh đã được chọn lọc của văn hóa, lịch sử qua thời gian. Thú chơi tem trên thế giới đã có từ lâu, con tem đầu tiên của nhân loại xuất hiện vào năm 1840 với hình nữ hoàng Anh Victoria, phong trào chơi tem cũng được phát triển 10 năm sau đó. Ở Việt Nam, con tem đầu tiên xuất hiện khi thực dân Pháp vào xâm lược, khoảng năm 1940 đã có những người chơi tem ở Hà Nội. Hai mươi năm sau, Hội Tem Việt Nam được thành lập. 


Ông Nguyễn Đức Vân, Nguyên chủ tịch Hội chơi tem Hà Nội chia sẻ: “Chơi tem trong nước sẽ được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử trong nước, chơi tem nước ngoài cũng đem đến kho kiến thức hết sức phong phú giúp người chơi mở mang tầm mắt”.
 
Thời gian trôi qua, thời buổi hòa mạng toàn cầu với thư điện tử, điện thoại… đã dần choán hết công dụng, vai trò của những con tem và lá thư tay nhưng đâu đó trong lòng Thủ đô này, ký ức vẫn được bồi tụ dần trong sự tích lũy của các nhà sưu tập. Có con tem hiện diện, có con tem vô hình. Những con tem gợi nhớ phần ký ức không thể nào khuyết thiếu từ những năm tháng gian lao với nỗi chờ đợi và những lá thư tay tạo thành “đường thư” dằng dặc nỗi niềm. Một người cựu chiến binh ngồi bên chợ tem hồi tưởng lại: “Thời chiến tranh, bộ đội vào chiến trường viết thư cho gia đình hiếm khi có thời gian đến bưu điện mua tem, thế rồi đồng đội bảo nhau đề trên phong thư: Thư bộ đội. Khi từng đoàn xe băng qua cánh đồng ngoại ô, thấy bà con đang cày cấy, họ đồng loạt thả những lá thư xuống ven đường. Bà con ta cứ thế nhặt thư về, mang ra bưu điện mua tem dán vào rồi gửi theo địa chỉ có sẵn. Lớp lớp người đã ra đi, thêm bao tuổi thanh xuân nằm lại, biết bao nhà sưu tập tem vẫn còn giữ lại được những con tem còn nguyên vết máu, ấy là những con tem từ hậu phương gửi đến chiến trường, có chiến sĩ chưa kịp bóc thư đã vĩnh viễn không trở lại”.


Đến nay, những con tem ký ức vẫn hiện diện đầy sống động, sang trọng mà gần gũi trong tâm tưởng của người yêu tem Thủ đô. Chợ tem chính là thú vui âm thầm mà tao nhã tạo nên một dấu ấn Hà Nội rất riêng, gói ghém trong đó biết bao ý nghĩa của đời sống văn hóa, tinh thần góp phần làm nên dung mạo một đô thành hào hoa, thanh lịch.

Theo Quân đội nhân dân 



Bưu Điện tỉnh Phú Yên tổ chức Hội Thi “Người bán hàng giỏi năm 2012”


Hưởng ứng “Tháng công nhân” năm 2012, ngày 30/5/2012 Công đoàn Bưu điện tỉnh Phú Yên tổ chức Hội Thi “Người bán hàng giỏi năm 2012” với sự tham gia của 24 thi sinh là những giao dịch viên đến từ 8 đơn vị cơ sở. Nội dung thi tập trung vào các dịch vụ mới là: Dịch vụ Bảo hiểm Bưu điện (PTI), dịch vụ chi trả BHXH, dịch vụ chi trả lương hưu qua hệ thống Bưu điện, dịch vụ AVG và dịch vụ tiết kiệm Bưu điện. 


Các thí sinh tham gia tranh tài với các phần thi: chào hỏi, tiểu phẩm và thi phản xạ nhanh. Kết quả Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị Bưu điện Trung tâm Tuy Hòa, giải nhì cho Bưu điện Thị xã Sông Cầu. Ngoài ra Ban tổ chức đã trao 3 giải ba, 3 giải khuyến khích và 2 giải phụ cho các đơn vị tham gia dự thi. Thông qua Hội thi các thí sinh có dịp học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, góp phần phát triển các dịch vụ mới mang lại doanh thu cao và tạo nguồn thu ổn định cho đơn vị. 

Theo Công đoàn Bưu điện Việt Nam



Bưu điện TP.HCM sơ kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc


Bưu điện TP và CATP.HCM vừa phối hợp tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện phong trào Toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Là đơn vị quản lý, khai thác và cung cấp các dịch vụ bưu chính; hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh các dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố, 2 năm qua, đơn vị đã cùng lực lượng công an, hải quan phát hiện 76 tạp chí, trên 12.000 ấn phẩm, 3 ổ cứng... có nội dung xấu, phản động; không để xảy ra việc làm sót, lọt tài liệu mật, bí mật của nhà nước. Nhân viên, bảo vệ của đơn vị đã bắt giữ hàng chục đối tượng trộm, cướp, buôn bán ma tuý... giao công an xử lý. 


Đặc biệt, trong thời gian qua, Bưu điện TP đã phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các trường hợp lợi dụng công nghệ viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn thành phố.

Theo Xalo.vn



Ngân hàng Bưu điện Liên Việt: Công khai tiêu chí tiếp cận vốn cho doanh nghiệp


 

 


Chương trình “60 ngày tiếp sức doanh nghiệp” được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai từ 10/5 đến 9/7/2012 cụ thể hóa chuỗi chương trình hành động của ngân hàng với doanh nghiệp. 


CôngThương - Ông Trần Quang Ánh- Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Chi nhánh Hải Phòng- cho biết: “Với “60 ngày tiếp sức doanh nghiệp”, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn với các ưu đãi lớn từ lãi suất vay đến chuỗi dịch vụ kèm theo… Chương trình hướng tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh trên phạm vi cả nước, đặc biệt ưu đãi lớn với khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa dịch vụ…”.


Trong khi chờ chuyển giao lợi ích từ các gói giải pháp hỗ trợ của Chính Phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cũng rục rịch đưa ra nhiều chương trình ưu đãi. Từ đầu năm 2012, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt  đã và đang triển khai nhiều giải pháp thực tế. Ông Trần Quang Ánh cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với lãi suất vay 13%, 14%/ năm. Cụ thể, để được hưởng mức lãi suất vay ưu đãi 13%, doanh nghiệp, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện: hoạt động trong kĩnh vực xuất khẩu tối thiểu 2 năm; nhà nhập khẩu có tối thiểu 1 giao dịch xuất khẩu thành công với khách hàng trong vòng 1 năm liền kề thời điểm xét duyệt cho vay; các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của khách hàng trong năm tài chính liền kề thời điểm xét duyệt cho vay. Ở gói lãi suất 14% hướng tới khách hàng, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; có nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.


Đặc biệt, chương trình “60 ngày tiếp sức doanh nghiệp”, ngân hàng này đang triển khai đã mở ra nhiều thuận lợi về tiếp cận nguồn vốn, giúp các doanh nghiệp “sống khỏe” hơn trong thời khủng hoảng tài chính. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi tốt nhất về tín dụng như: lãi suất cho vay hấp dẫn, cạnh tranh trên thị trường với mức thấp nhất 13,5%/năm. Đặc biệt, với các doanh nghiệp xuất khẩu được vay với mức lãi xuất ưu đãi rất thấp 13%/năm khi sử dụng gói sản phẩm “Lienvietpostbank– ưu đãi xuất khẩu- lãi suất cực sốc”.


Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình, khách hàng được hưởng các dịch vụ hậu mãi đi kèm như: ưu đãi giảm đến 25% các loại phí thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế; miễn phí trả lương năm đầu tiên, giảm tới 30% phí trả lương năm thứ 2 và tặng quà bằng tiền mặt lên tới 3.600.000 đồng cho khách hàng sử dụng dịch vụ chi hộ lương; miễn phí khi đăng ký sử dụng dịch vụ Internetbanking.

Theo Báo mới



Bưu điện TP.HCM sơ kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Bưu điện TP và CATP.HCM vừa phối hợp tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện phong trào Toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Là đơn vị quản lý, khai thác và cung cấp các dịch vụ bưu chính; hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh các dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố, 2 năm qua, đơn vị đã cùng lực lượng công an, hải quan phát hiện 76 tạp chí, trên 12.000 ấn phẩm, 3 ổ cứng... có nội dung xấu, phản động; không để xảy ra việc làm sót, lọt tài liệu mật, bí mật của nhà nước. Nhân viên, bảo vệ của đơn vị đã bắt giữ hàng chục đối tượng trộm, cướp, buôn bán ma túy... giao công an xử lý. 


Đặc biệt, trong thời gian qua, Bưu điện TP đã phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các trường hợp lợi dụng công nghệ viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn thành phố.

Theo Báo mới



Bưu điện tỉnh trao giải Chương trình “Xuân mới – lộc tới nhà”


Sáng 31/5, Bưu điện tỉnh tổ chức Lễ trao giải Chương trình khuyến mại “Xuân mới – lộc tới nhà”.

 


Đại diện Bưu điện tỉnh trao giải khuyến khích cho các khách hàng.


Chương trình do Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phối hợp tổ chức trong toàn hệ thống, dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ tiết kiệm bưu điện và chuyển tiền trong thời gian từ ngày 15/02/2012 đến hết ngày 30/04/2012. Ngày 16/5, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã tổ chức quay số xác định 49 khách hàng trúng thưởng trong cả nước.


Cao Bằng có 4 khách hàng may mắn trúng giải chương trình: 1 giải ba trị giá 8 triệu 500 nghìn đồng thuộc về anh Lương Văn Lâm, trú tại Nà Mùa, xã Trương Lương (Hòa An); 3 giải khuyến khích mỗi giải 1 sổ tiết kiệm bưu điện thuộc về các khách hàng: Hoàng Thị Hoa, xã Vĩnh Quang (Thị xã); Nông Thị Bưu, xã Cần Yên (Thông Nông), Lâm Thị Phương, Công ty mía đường Cao Bằng.

Theo  Báo Cao Bằng



Tỉnh Quảng Ninh “gỡ khó” cho điểm BĐVHX


Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh dự án đầu tư để sử dụng hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) thành nơi phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ (KHCN) phục vụ người dân nông thôn.

Theo ông Hoàng Hồ Hải - Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, nếu dự án này được triển khai sẽ mở ra hướng phát triển mới cho các BĐVHX ở Quảng Ninh, người dân vùng khó khăn sẽ có thêm kênh tiếp nhận thông tin hữu ích.


Vẫn cần duy trì điểm BĐVHX


Trong khi nhiều tỉnh đang có ý kiến xin bãi bỏ những điểm BĐVHX kém hiệu quả thì tại Quảng Ninh những người có trách nhiệm lại đề nghị cần tiếp tục duy trì hoạt động của các điểm này. Chị Nguyễn Thị Hiền, nhân viên điểm BĐVHX Hoàng Tân (huyện Yên Hưng) chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến những “thăng trầm” của điểm BĐVHX. Doanh thu trước đây chủ yếu từ dịch vụ điện thoại công cộng, trung bình mỗi tháng thu được 1,2-1,3 triệu đồng thì nay số người đến gọi điện giảm sút nặng nề. Tháng 8 vừa qua chỉ vẻn vẹn 2.300 đồng. Các dịch vụ khác cũng ở cảnh “chợ chiều”.


Ông Hoàng Hồ Hải, Giám đốc Bưu điện Quảng Ninh cho biết, hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại hệ thống điểm BĐVHX tại Quảng Ninh đang giảm mạnh. Quảng Ninh hiện có 127 điểm BĐVHX. 8 tháng đầu năm 2009, tổng doanh thu đạt hơn 2,1 tỷ đồng nhưng hơn 1,6 tỷ đồng là thu từ thu nợ cước các thuê bao. Để tạo điện kiện cho nhân viên điểm BĐVHX tăng thu nhập, Bưu điện Quảng Ninh đã triển khai cho nhân viên điểm BĐVHX tham gia thu cước điện thoại mà không cần đặt cọc, trông coi thiết bị viễn thông tại những nơi có đặt trạm BTS... Những giải pháp này đã “giữ chân” đội ngũ nhân viên điểm BĐVHX. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, không phải là hướng phát triển lâu dài cho hệ thống điểm BĐVHX.


Đề cập đến việc hướng chuyển đổi với mô hình điểm BĐVHX, ông Hải cho biết, hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng điểm BĐVHX hoạt động không hiệu quả nên xóa bỏ. Nhưng Bưu điện Quảng Ninh lại có quan điểm khác. Điểm BĐVHX vẫn cần thiết phải duy trì hoạt động, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, những nơi mà người dân còn “đói” thông tin. Với những điểm có điều kiện thuận lợi thì cần đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ, nhưng với những điểm ở vùng sâu, vùng xa thì phải xác định rõ đó là những nơi mang tính phục vụ công ích nhiều hơn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước duy trì để các điểm này trở thành kênh truyền tải thông tin từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dân.


Tìm hướng ra


Ông Hoàng Hồ Hải cho biết thêm, hiện Sở KH&CN Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh dự án “Đưa thông tin KHCN phục vụ nông thôn” có tổng mức kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng. Một nội dung quan trọng của dự án này là triển khai đầu tư để sử dụng hệ thống các điểm BĐVHX là nơi phục vụ việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức KHCN cho người dân nông thôn. Dự kiến, ở giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai đầu tư máy in cho khoảng 60 điểm BĐVHX, chủ yếu là các điểm thuộc vùng công ích, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên địa bàn Quảng Ninh, như các xã như: Điền Xá, Hà Lâu, Phong Du (huyện Tiên Yên), Đồng Tiến (huyện đảo Cô Tô), Vô Ngại, Húc Động (huyện Bình Liêu), Thanh Sơn, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ)...


Ông Hải giải thích, trong 60 điểm BĐVHX dự kiến triển khai giai đoạn 1 có 33 điểm thuộc vùng công ích đã được trang bị 3 máy tính, 1 đường truyền ADSL, đa số các điểm còn lại cũng có ít nhất 1 máy tính. Do đó, triển khai trang bị thêm máy in tại các điểm BĐVHX là để các nhân viên điểm BĐVHX in các tài liệu, thông tin hữu ích với người dân nông thôn, đem đến phát tận tay các già làng trưởng bản, các trưởng thôn để họ phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người dân. Những thông tin được truyền tải có thể là các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; cũng có thể là thông tin trên mạng Internet về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các kinh nghiệm sản xuất...


Để đảm bảo nhân viên điểm BĐVHX có đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho nhân dân, tháng 5/2009 vừa qua, Bưu điện tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức tin học cho hơn 100 nhân viên điểm BĐVHX. Yêu cầu của khóa tập huấn là nhân viên sử dụng thuần thục máy tính: tắt/mở máy, truy cập Internet, khai thác thông tin trên mạng...


Trong dự án này, Sở KH&CN phối hợp cùng Bưu điện Quảng Ninh đã tính toán đến chi phí hỗ trợ duy trì hệ thống các điểm BĐVHX tham gia truyền tải thông tin KHCN (điện, bảo trì sửa chữa, mực, giấy, văn phòng phẩm...), bình quân khoảng 720.000 đồng/điểm/ tháng. Các nhân viên của 60 điểm BĐVHX sẽ triển khai dự án sẽ được hỗ trợ kinh phí để quản lý, khai thác thiết bị, tối đa là 350.000 đồng/ người/ tháng. “Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương đồng ý với các nội dung dự án. Dự án này nếu được triển khai, hệ thống điểm BĐVHX sẽ là nơi truyền tải thông tin, kiến thức khoa học đến với người dân, vừa làm tăng hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX, vừa giúp tăng thu nhập cho người lao động ở các điểm BĐVHX và Quảng Ninh sẽ là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình này”, ông Hải nói.

Theo Sở Thông tin và  Truyền  thông tỉnh Quảng Bình

 

 Đẩy mạnh hoạt động truyền thanh cơ sở và điểm bưu điện văn hóa xã ở Hưng Yên


Nhằm đẩy mạnh hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở và các điểm bưu điện văn hóa xã ở Khoái Châu, sáng 30/5, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát về tình hình hoạt động của mạng lưới này ở huyện Khoái Châu.


Hiện nay mạng lưới truyền thanh cơ sở  của huyện Khoái Châu đã có 11/25 xã, thị trấn phát triển truyền thanh kỹ thuật số hiện đại với chất lượng tốt, 14 xã còn lại vẫn sử dụng hệ thống truyền thanh hữu tuyến.


Thời gian qua, các đài truyền thanh đã thực hiện tốt một số chức năng truyền tải thông tin, văn hóa, xã hội, phần nào đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại là cập nhật một số thông tin chậm; chưa kịp thời, một số tin bài cộng tác với báo, đài tỉnh chất lượng chưa cao;  tiếp âm đài các cấp chưa thường xuyên; một số xã lắp đặt truyền thanh kỹ thuật số chưa làm thủ tục đăng ký tần số nên sử dụng tần số không đúng quy định.


Về hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã, toàn huyện có 17/25 điểm, trong đó có 5 điểm còn duy trì hoạt động tốt là: Dân Tiến, Thành Công, Tân Dân, Dạ Trạch và Hàm Tử còn lại là hoạt động cầm chừng. Hiện các điểm bưu điện văn hóa đã xuống cấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng, việc luân chuyển sách còn ít và thiếu nhiều loại sách. Cơ chế quản lý không hợp lý, thời gian mở cửa chưa đảm bảo…


Tại buổi làm việc, Ban Văn hóa xã hội  - HĐND tỉnh Hưng Yên đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo địa phương về: Cán bộ đài xã phụ cấp thấp, trình độ cán bộ đài cơ sở không qua trường lớp đào tạo; văn hóa đọc hiện nay bị mờ nhạt, điểm bưu điện văn hóa xã phát huy không hiệu quả. Ban sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động của mạng lưới truyền thanh ở cơ sở và các điểm bưu điện văn hóa xã đạt chất lượng hiệu quả.

Theo Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hưng Yên

 

Cụm công đoàn số 4 và số 5: Tập huấn “Nâng cao năng lực cán bộ nữ công năm 2012”


Đồng chí Nguyễn Thúy Huệ, Phó Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn 

Ngày 24 - 25/5/2012, tại VNPT Thái Nguyên, Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cán bộ nữ công năm 2012” cụm công đoàn số 4 và số 5 được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Thúy Huệ, Phó Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn. Tham dự lớp tập huấn lần này là các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn là nữ, các đồng chí trưởng, phó ban nữ công Công đoàn các đơn vị trong cụm số 4 và số 5.


Với mục đích nâng cao năng lực, bổ sung kỹ năng kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công của Công đoàn cơ sở, tạo điều kiện để các cán bộ nữ công được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc gắn kết các hoạt động nữ với các phong trào thi đua nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị;  trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, phương thức hoạt động, rèn luyện kỹ năng cho chị em; trao đổi những tâm tư, suy nghĩ với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động nữ tại các đơn vị.


Các học viên tham dự đã đóng góp, thảo luận nhiều ý kiến xoay quanh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ công. Và chị em còn được tham quan một số điểm lịch sử, du lịch tại Thái Nguyên như Hồ Núi Cốc, An toàn khu Định Hóa.

Theo Công đoàn Bưu điện Việt Nam