Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 10/07/2012

Tin trong nước
Bộ Thông tin và Truyền thông sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2012
Ngày 09/07/2012, tại 18 Nguyễn Du – Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2012. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các Thứ trưởng, Lãnh đạo là cấp trưởng, phó các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các đại diện các Sở TT&TT ( dự họp thông qua cầu truyền hình trực tuyến).
Hội nghị đã được nghe Thứ trưởng Lê Nam Thắng báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 của Bộ TT&TT. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm Bộ đã nhanh chóng triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước. Luôn bám sát, tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 tháng qua, Bộ cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ngành thông tin và truyền thông. Các Thông tư do Bộ ban hành đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ đã kịp thời ban hành Chương trình hành động của Ngành thông tin và truyền thông thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra cho Ngành. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm này, doanh thu hai lĩnh vực bưu chính, viễn thông (số liệu 5 tháng đầu năm 2012) ước đạt 60,3 nghìn tỷ đồng (đã tăng 12,6 % so với cùng kỳ năm 2011).
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục phát triển theo định hướng của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, đầu năm 2012 toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 8.971 đầu sách (đạt 96% so với cùng kỳ năm 2011), với 157.295.215 bản sách (đạt 90% so với cùng kỳ năm 2011); cấp 33 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với 109.800 bản. Đến nay, toàn quốc có 64 nhà xuất bản; 119 Công ty Phát hành sách tỉnh, thành phố; 70 Công ty TNHH văn hoá tư nhân; 13.700 Trung tâm, siêu thị nhà sách, hộ kinh doanh sách; trên 1.500 cơ sở in công nghiệp (trong đó có khoảng 130 cơ sở in thuộc Trung ương và 1.370 cơ sở in địa phương) với tôn chỉ, mục đích hoạt động gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Mạng lưới bưu chính công cộng hiện nay với số lượng điểm phục vụ bưu chính 14.911 điểm, trong đó có 2.545 bưu cục, 8.095 điểm Bưu điện Văn hóa xã, 2.776 đại lý bưu chính, 1.495 thùng thư công cộng; bán kính phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính 2,66 km; số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính 5.922 người. Bên cạnh đó, Lĩnh vực bưu chính cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước như: ban hành chương trình phát hành tem bưu chính năm 2013; thẩm định hồ sơ thiết kế và ban hành các bộ tem bưu chính: “Tết Nhâm Thìn”, "Cầu mái ngói", "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tôn Thất Tùng"...
Sự kiện nổi bật trong 6 tháng đầu năm của Viễn thông, Tần số Việt Nam là việc vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Sự kiện này đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, số thuê bao điện thoại phát triển mới sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5498,9 nghìn thuê bao, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 13,7 nghìn thuê bao cố định, bằng 41,7% cùng kỳ và 5485,2 nghìn thuê bao di động, tăng 18,4%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 135,9 triệu thuê bao, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,2 triệu thuê bao cố định, giảm 1,8% và 120,7 triệu thuê bao di động, tăng 2,8%. Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 26,5% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng Sáu năm 2012 ước tính đạt 32,4 triệu người, tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2011. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Lĩnh vực CNTT cũng có nhiều chuyển biến tích cực, Bộ đã chỉ đạo triển khai các đơn vị thực hiện tốt các công việc như: Thành lập Hội đồng Giám đốc CNTT các cơ quan nhà nước ở Trung ương, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp; thành lập tổ công tác về An toàn thông tin của Bộ;...Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đang được triển khai sâu rộng. Theo báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử năm 2012 của Liên hợp quốc, xếp hạng của Việt Nam tăng 7 bậc, xếp thứ 4 Đông nam á, thứ 9 Châu á và thứ 83 thế giới.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua các buổi làm việc, nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể được xác lập giúp cho công tác thông tin và truyền thông ngày càng phát triển sâu, rộng như: xây dựng Chương trình phối hợp với Bộ Nội vụ nhằm thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2017 nhằm nâng cao vai trò của xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong ứng dụng và phát triển CNTT...
Trong 6 tháng cuối năm theo dự kiến, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; Tập trung nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản đã đăng ký với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tập trung triển khai thực hiện các đề án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015; Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác QLNN ở địa phương. Hướng dẫn các Sở TT&TT thực hiện tốt chức năng QLNN về lĩnh vực thông tin và truyền thông; Phát triển mạnh các dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet; tăng cường phủ sóng phát thanh, truyền hình đến vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, nhân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khi Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ được ban hành; Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tích cực chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế. Tăng cường thông tin đối ngoại và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể đối với 05 lĩnh vực Bộ quản lý, trong 6 tháng cuối năm những công việc trọng tâm cần phải thực hiện: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như: Dự thảo Quyết định Sửa đổi Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Tiến hành tổng kết và triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong hoạt động báo chí và các văn bản khác; Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Xuất bản sửa đổi trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 (dự kiến tháng 10/2012; Triển khai xây dựng Đề án ĐBĐVHX, quy định quản lý về ĐBĐVHX; Tăng cường công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý thuê bao di động trả trước, công tác khuyến mại, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành; Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch tần số...
Tại hội nghị, đại diện các Sở TT&TT đã phát biểu ý kiến về những khó khăn trong triển khai công tác quản lý Nhà nước tại địa phương. Các ý kiến phản ánh mọi vướng mắc trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ và một số vấn đề về cơ chế chính sách như: việc quản lý thuê bao di động trả trước; các vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; tiến độ triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 97 để địa phương có cơ sở quản lý các đại lý internet và trò chơi điện tử trên mạng; chế độ ưu đãi với cán bộ chuyên trách về lĩnh vực CNTT, báo chí (trong việc cấp thẻ nhà báo cho cán bộ ở đài phát thanh truyền hình cấp huyện, xã)… Đặc biệt có 03 vấn đề mà hầu hết các Sở đều quan tâm: Việc cơ cấu lại tổ chức, bộ máy và hoạt động của Sở TT&TT đến cấp huyện, xã; Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 cần được tích cực triển khai; Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước để đẩy mạnh Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT”. Ngoài ra, một số Sở TT&TT cũng kiến nghị với Bộ về việc nên xây dựng thương hiệu cho Bộ về hoạt động thông tin tuyên truyền; có hướng dẫn về việc dùng chung cơ sở hạ tầng tại các địa phương, hướng dẫn về việc xây dựng chính quyền điện tử; Bộ cần tăng cường các chuyến khảo sát và tiếp xúc với địa phương để có hướng dẫn cụ thể về các lĩnh vực mà Bộ giao cho các Sở triển khai, thực hiện; Đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; có văn bản hướng dẫn về công tác lưu trữ văn bản điện tử tại địa phương và tăng cường công tác hỗ trợ cho các tỉnh/thành phố về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước…
Các Cục, Vụ trực thuộc Bộ TT&TT có liên quan đã có ý kiến trả lời các kiến nghị của các Sở TT&TT.
Cục Viễn thông cho biết sẽ phối hợp với VNPT sẽ đưa mạng chuyên dùng vào sử dụng. Đối với công tác khuyến mại, Cục sẽ giao cho Sở TT&TT quản lý để giảm số lượng sim rác. Đối với việc quản lý thuê bao di động trả trước Cục cũng sẽ phối hợp với Bộ Công An để tăng cường quản lý hơn nữa trong thời gian tới…
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trả lời về việc kiến nghị của các Sở về việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 97 (văn bản quản lý về trò chơi điện tử trên mạng, quản lý mạng xã hôi và các trang thông tin điện tử), hiện tại, Nghị định đang được Cục và Cục Viễn thông triển khai xây dựng và sẽ sớm trình Chính phủ trong thời gian tới đây. Việc cấp thẻ nhà báo cho các đài phát thanh truyền hình cấp huyện, xã phải dựa trên quy định đề nghị của đài phát thanh truyền hình tỉnh/thành phố.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Cục Ứng dụng CNTT đã có ý kiến trả lời về vấn đề mà các Sở quan tâm và kiến nghị với Bộ. Trong thời gian tới, Cục sẽ đôn đốc và yêu cầu các địa phương cung cấp lộ trình việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trang tin điện tử. Đối với việc lưu trữ văn bản điện tử, Cục cũng cho biết Ban soạn thảo đang xây dựng Nghị định về lưu trữ văn bản điện tử và đang trình Chính phủ để có thể sớm ban hành. Về việc hướng dẫn kế hoạch ứng dụng CNTT và kế hoạch CNTT năm 2013, Cục đã hoàn thiện và sẽ gửi tới các Sở trong thời gian tới đây.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nêu một số hạn chế trong công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT: Việc xây dựng các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ còn chậm, nhiều đơn vị hoàn thành không đúng quy hoạch đã đề ra; Một số cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ mục đích; Việc thực hiện quyết toán chương trình viễn thông công ích đến 2010 (Chương trình 74) còn chậm; hoạt động của Tổng công ty VTC còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém cần nhìn nhận để VTC cố gắng hoàn thiện lại; việc quản lý thông tin trên internet còn nhiều bức xúc, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng; việc quản lý thông tin thuê bao di động trả trước (Thông tư 04 về thuê bao di động trả trước) chưa được triển khai thực hiện triệt để. Với những tồn tại và hạn chế này, Bộ trưởng mong muốn các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Sở TT&TT cần tăng cường tham mưu cho Bộ để Bộ có thể thực hiện tốt công tác trong 6 tháng cuối năm 2012.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi các cơ chế chính sách; chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện đúng tôn chỉ của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện và kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT và các Sở TT&TT; thực hiện rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Tăng cường công tác kế hoạch tài chính ở các cấp; tích cực làm việc với Bộ Tài chính để xây dựng Thông tư về phí thương quyền; việc tổ chức tái cấu trúc bộ máy giao cho Viện chiến lược TT&TT và Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ TT&TT tiến hành triển khai và xây dựng phương án; nghiên cứu và hoàn thiện công tác cấp phép và các nội dung quản lý trong lĩnh vực phát thanh truyền hình; chuẩn bị tốt các tiền đề cho việc xây dựng Nghị quyết Trung ương XIII; Tham mưu giúp Bộ chính trị xây dựng Nghị quyết về ứng dụng CNTT; Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách; chuẩn bị tốt dự án luật về thông tin số để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất; đầy mạnh tăng cường quốc tế, tuyên truyền thông tin đối ngoại; tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương IV khóa XI; Phát huy và đẩy mạnh hơn nữa những thành tích của Trang thông tin điện tử Bộ TT&TT trong việc đưa thông tin về hoạt động của Bộ nhanh chóng và chính xác...
Phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh cố TBT Nguyễn Văn Cừ
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) Nguyễn Văn Cừ, Bộ TT&TT và VietnamPost đã phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 28/8/1941)".
Bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 28/8/1941)" được họa sĩ của VietnamPost Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế theo phong cách đồ họa, với hình ảnh nổi bật trên tem là chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ - sự kiện gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông.
Bộ tem gồm 1 mẫu tem, giá mặt 2.000 đồng. Việc phát hành bộ tem này là hoạt động thiết thực của ngành TT&TT nói chung và Bưu chính Việt Nam nói riêng để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của nhà hoạt động cách mạng xuất sắc - cố TBT Nguyễn Văn Cừ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, khi mới 15 tuổi. Tháng 6/1929, ông được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Hà Nội; sau đó hoạt động chỉ đạo phong trào công nhân vùng mỏ, là Bí thư khu ủy đầu tiên của Đặc khu Hòn Gai - Uông Bí.
Tháng 6/1930, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1936, sau khi được trả tự do, ông về Hà Nội tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, tham gia khôi phục xứ ủy Bắc Kỳ. Vào tháng 3/1938, khi mới 26 tuổi, Nguyễn Văn Cừ đã được bầu làm TBT Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành vị TBT trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị ghép tội thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương", "chủ trương bạo động", "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và bị kết án tử hình. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã thi hành án tử hình đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng một số đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu... tại trường bắn Hóc Môn.
Tập trung thực hiện đề án thông tin-truyền thông lớn
Theo báo cáo sơ kết hoạt động của ngành thông tin và truyền thông sáu tháng đầu năm 2012, Bộ đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Thị trường viễn thông, Internet phát triển nhanh và đúng theo lộ trình, công tác phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông được đẩy mạnh. Doanh thu bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm 2012 ước đạt 74.900 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2011).
Tốc độ phát triển thuê bao điện thoại ước đạt 135,9 triệu thuê bao (tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2011), trong đó 15,2 triệu thuê bao cố định (giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm 2011), 120,7 triệu thuê bao di động (tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2011). Toàn quốc có 4,4 triệu thuê bao Internet (tăng 26,5% so với cùng thời điểm năm 2011).
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại của ngành như: Một số cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích, thu hút dư luận bằng các nội dung đáp ứng những thị hiếu tầm thường, đưa thông tin sai sự thật.
Việc quản lý thuê bao trả trước còn nhiều khó khăn, tin nhắn rác vẫn gây nhiều bức xúc cho thuê bao di động, các đại lý điện thoại di động chưa thu hồi hết simcard chưa sử dụng theo Thông tư 04/TT-BTTTT. Tiến độ triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện vẫn còn chậm, nhiều văn bản không hoàn thành đúng kế hoạch; việc thực hiện các ý kiến kết luận của lãnh đạo Bộ có lúc, có nơi chưa đúng thời gian yêu cầu.
Trong sáu tháng cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo;
Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015... Phát triển mạnh các dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet; tăng cường phủ sóng phát thanh, truyền hình đến vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tăng cường áp dụng truyền hình trực tuyến cho các cuộc giao ban, hội nghị.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo xây dựng và thẩm định Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, Tổng công ty VTC, xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.../.
LienVietPost tạm ứng cổ tức đợt 2/2012
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vừa thực hiện việc tạm ứng cổ tức đợt 2/2012 cho các cổ đông với tỷ lệ tạm ứng là 3%/tổng mệnh giá cổ phần sở hữu của mỗi cổ đông. Thời gian tạm ứng cổ tức được thực hiện từ ngày 09/08/2012 đến ngày 11/08/2012.
Cũng giống như các lần chi trả cổ tức trước, đợt tạm ứng cổ tức đợt 2 này được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi trả bằng tiền mặt theo danh sách cổ đông chốt tại thời điểm 17h00 Thứ Hai (9/7/2012). Việc chi trả này sẽ được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS). Trước đó, Ngân hàng đã thực hiện việc tạm ứng cổ tức đợt 1 vào tháng 3/2012 với tỷ lệ tạm ứng là 3%/tổng mệnh giá cổ phần sở hữu của mỗi cổ đông.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt luôn có mức tăng trưởng cổ tức liên tục theo từng năm, năm 2008 là 9%, 2009 là 13%, năm 2010 là 15% và năm 2011 là 15%. Điều này đã phần nào chứng tỏ sự ổn định và phát triển an toàn, bền vững của Ngân hàng. Tính đến tháng 6/2012, Ngân hàng có số vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng với tổng tài sản đạt gần 60.000 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế qua hơn 4 năm đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi với tên gọi “60 ngày Tiếp sức doanh nghiệp” nhằm đồng hành cùng các khách hàng doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Chương trình là giải pháp tài chính hữu hiệu cho nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Nhận thấy nhu cầu vốn rất lớn từ các doanh nghiệp, sau 2 tháng triển khai (01/05/2012 đến 01/07/2012) với doanh số giải ngân đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện thêm 1 tháng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục được tiếp cận vốn vay lãi suất thấp trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay.
Đến 2015, Tập đoàn, TCty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Từ nay đến năm 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.
Chính phủ nhận định, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ yêu cầu từ nay đến 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể.
Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
Chính phủ nhấn mạnh, việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
Chính phủ giao Bộ Tài chính cử kiểm soát viên tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước.
Tin quốc tế
Hermes tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ chuyển phát đảm bảo thương mại điện tử
Công ty hiện đang thực hiện một chiến dịch quảng cáo kéo dài 2 tháng nhằm giới thiệu dịch vụ mới tới các khách hàng. Cụ thể, các khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ từ 06/07 tới 31/08 sẽ nhận được toàn bộ tiền bồi thường neus các lô hàng chuyển phát trong nước Đức bị chậm trễ. Đồng thời, công ty đảm bảo các cam kết sẽ chuyển phát bưu kiện trong vòng hai ngày làm việc, không tính thời gian giao hàng lặp lại. Những đảm bảo này sẽ được thực hiện đối với toàn bộ các bưu kiện trong tháng đầu tiên của một khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ.
Hermes, công ty chuyển phát thuộc sở hữu của Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Otto Group, cho biết chiến dịch mới của công ty là nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện trong dịch vụ chuyển phát, một "yếu tố thành công quan trọng" cho các nhà bán lẻ Internet, nếu như việc chuyển phát được thực hiện một cách nhanh chóng và đáng tin cậy.
Hermes hy vọng chiến dịch quảng cáo của công ty sẽ giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về dịch vụ mới chuyển phát thương mại điện tử đảm bảo trong 2 ngày làm việc.
"Với chiến dịch này, chúng tôi cam kết sẽ giao hàng trong vòng hai ngày tới mọi khách hàng, nếu không sẽ hoàn tiền trở lại," ông Frank Iden, giám đốc điều hành Hermes cho biết. "Hermes hy vọng dịch vụ mới này sẽ giúp đẩy nhanh việc mua hàng của các khách hàng mới của chúng tôi."
Công ty Hermes hiện đang sở hữu một lực lượng lao động gồm 13.000 nhân viên và xử lý 266 triệu bưu phẩm bưu kiện một năm, với mức doanh thu hàng năm đạt 860 triệu EUR.
Bưu chính Australia thỏa thuận chuyển giao mạng lưới IT vào công nghệ điện toán đám mây
Telstra cho biết công ty sẽ di chuyển toàn bộ sản phẩm cơ sở hạ tầng của ngành bưu chính Australia sang một mạng lưới quản lý dịch vụ mới. Sử dụng hệ thống mới, ngành bưu chính sẽ có thể phát triển các sản phẩm và các gói dịch vụ mới.
Catriona Larritt, tổng giám đốc về các dịch vụ kỹ thuật số trực thuộc ngành bưu chính Australia, cho biết thỏa thuận mới này là một phần trong chương trình mở rộng thị phần của ngành bưu chính thông qua các dịch vụ kỹ thuật số.
"Chúng tôi rất vui được làm việc với Telstra, phát triển công nghệ mới nhằm giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc truy cập vào các dịch vụ của chúng tôi trên khắp đất nước," bà nói.
Telstra đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 06/2012 để mở đường cho thỏa thuận giữa 2 bên, trong đó cam kết sẽ trở thành khách hàng đầu của dịch vụ Mailbox kỹ thuật số mới của ngành bưu chính Australia.
Paul Geason, giám đốc điều hành Telstra, cho biết công ty ông đã đầu tư 800 triệu USD vào việc phát triển công nghệ điện toán đám mây, và khẳng định rằng công ty của ông sẽ sử dụng dịch vụ Digital Mailbox ngay khi dịch vụ ra đời.
“Ngành bưu chính Australia đã lựa chọn dịch vụ điện toán đám mây của chúng tôi để phát triển dịch vụ hộp thư kỹ thuật số của họ và Telstra cũng sẽ sử dụng hộp thư kỹ thuật số để bổ sung cho các tùy chọn kỹ thuật số hiện có của chúng tôi", ông Geason nói.
Ngành bưu chính Australia sẽ sử dụng công nghệ từ công ty Mỹ Pitney Bowes để phát triển dịch vụ hộp thư kỹ thuật số, bằng cách sử dụng nền tảng Pitney Bowes của Volly.
Bưu chính Nga thử nghiệm hình thức thanh toán không tiếp xúc với MasterCard
Ngành bưu chính Nga đã ký thỏa thuận với công ty thẻ tín dụng MasterCard để cùng phát triển các sản phẩm tài chính và công nghệ thanh toán tại hơn 2000 bưu cục trên toàn nước Nga.
Thỏa thuận này được thiết lập nhằm mục đích giúp người tiêu dùng Nga thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ tại hệ thống bưu cục trên toàn quốc bằng thẻ tín dụng không tiếp xúc thông qua hệ thống MasterCard PayPass.
Tổng giám đốc ngành bưu chính Nga Alexander Kiselev cho biết: "Thỏa thuận giữa ngành bưu chính Nga viết và MasterCard đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các khách hàng của chúng tôi. Sự hợp tác của chúng tôi là nhằm giới thiệu những công nghệ cải tiến mới để cải thiện quy trình cung cấp các dịch vụ tiêu dùng. Bằng cách này, các dịch vụ bưu chính sẽ có chất lượng cao hơn, dễ truy cập hơn và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. "
Hệ thống thanh toán không cần tiếp xúc có thể giúp tăng tốc quá trình giao dịch, và cắt giảm thời gian chờ đợi, bằng cách không đòi hỏi phải có một số chữ ký hoặc số PIN trong việc bán hàng giá trị thấp. Khách hàng chỉ cần bấm thẻ không tiếp xúc của họ trên một đầu đọc đặc biệt để thực hiện thanh toán.
Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng cá nhân có thể thanh toán trực tiếp bằng cách sử dụng điện thoại di động có tích hợp công nghệ NFC (Near Field Communication). Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngành bưu chính Nga và MasterCard đang cung cấp một dịch vụ thí điểm với tên gọi MasterCard Mobile Platforms, một nền tảng thanh toán di động sẽ cho phép các doanh nghiệp nhận thanh toán trực tuyến thông qua trang web của ngành bưu chính.
Đồng thời, người phát ngôn của ngành bưu chính Nga cho biết, ngành bưu chính cũng đang xem xét cung cấp một chương trình dành riêng cho các khách hàng trung thành của MasterCard.
Ilya Ryabyi cho biết: "Nhiệm vụ của MasterCard là để cung cấp các giải pháp thanh toán an toàn, đơn giản và thuận tiện. Nga là một quốc gia ưu tiên cho MasterCard, vì vậy chúng tôi rất tự hào cung cấp cho các khách hàng một loạt các công nghệ bao gồm cả những thiết kế đặc biệt cho thị trường Nga, ví dụ như là nền tảng di động MasterCard, cho phép khách hàng của ngành bưu chính Nga thực hiện thanh toán và chuyển tiền thông qua các tiện nghi hiện đại. "
Mạng lưới thiết bị bưu kiện đầu cuối Luxembourg đã tăng gấp đôi về kích cỡ
Để phục vụ cho nhu cầu của các công ty mua sắm trực tuyến từ các trang web nước ngoài và sau đó chuyển phát hàng hóa về bến bãi địa phương tại Luxembourg, công ty đã ký hợp đồng mua thêm 5 cỗ máy mang nhãn hiệu KePol từ nhà sản xuất Áo KEBA.
Các thiết bị đầu cuối dự định sẽ được cài đặt tại các cây xăng và siêu thị để dịch vụ chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện cho khách hàng 24/24.
Robert Thiemann, người sáng lập ra BPM-Lux cho biết: "Đối với chúng tôi, tính linh hoạt và độ tin cậy là yếu tố quyết định sự hài lòng của khách hàng. Năm cỗ máy bưu kiện đầu tiên mà chúng tôi mua từ KEBA, đã chứng minh tính hiệu quả trong hoạt động thực tế và hoàn toàn đã làm hài lòng các khách hàng của chúng tôi. "
"Các giải pháp mô-đun hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của chúng tôi và các hệ thống được cung cấp với chất lượng hàng đầu. Những yếu tố này đã thuyết phục chúng tôi tiếp tục đặt hàng từ KEBA".
Sử dụng BPM-Lux, khách hàng tại Luxembourg có thể mua sắm trực tuyến qua các trang web của Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Bỉ và sẽ nhận được hàng hóa chuyển phát tại điểm đến cuối cùng.
Có thể nói, quyết định tăng gấp đôi số lượng thiết bị bưu kiện đầu cuối của BPM-Lux là vô cùng đúng đắn, do xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng mạnh ở Luxembourg, một quốc gia có dân số hơn nửa triệu, với 88% hàng hóa tiêu dùng được mua từ nước ngoài.
Các khách hàng phải trả mức phí 5 EUR/tháng để sử dụng dịch vụ, cộng với phí giao nhận vận tải hàng hóa.
Các mặt hàng được vận chuyển đến Luxembourg thông qua các đối tác của BPM-Lux như DHL hay UPS. Sau khi đã tập kết tại Luxembourg, hàng hóa sẽ được tiếp tục chuyển phát tới những thiết bị bưu kiện đầu cuối nơi gần nhất. Khi bưu phẩm hoặc bưu kiện tới nơi, khách hàng sẽ nhận được một tin nhắn văn bản, bao gồm một mã số cá nhân để mở khóa an toàn, nơi lưu trữ bưu kiện của họ.
Hiện nay trên thế giới đã có 3.000 thiết bị bưu kiện đầu cuối KePol được cài đặt trên, với 400 thiết bị được lắp đặt và đưa vào sử dụng mới năm 2011.