Công đoàn Bưu điện Việt Nam: Phát huy truyền thống, hướng tới thành công

Ngay sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã chỉ đạo và tổ chức cho nhiều cán bộ công nhân viên ở các cơ sở Bưu điện tham gia tổ chức viên chức cứu quốc, những cán bộ công nhân viên Bưu điện đầu tiên được giác ngộ cách mạng đã hăng hái tham gia vận động nhiều người khác ủng hộ cách mạng, bảo vệ máy móc, cơ sở liên lạc, phục vụ thông tin liên lạc cho chính quyền cách mạng non trẻ.
Được sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 30/8/1947 Công đoàn Bưu điện Việt Nam được thành lập, tập hợp được 1.460 đoàn viên ở 17 cơ sở Bưu điện, sau đó dần dần phát triển nhanh ra cả nước và là một trong hai công đoàn Ngành được thành lập sớm thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Từ khi ra đời và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Công đoàn Bưu điện Việt Nam luôn chú trọng việc tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ công nhân viên về tinh thần yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng của Chính phủ, tổ chức các phong trào thi đua, động viên mọi người thi đua đảm bảo tốt thông tin liên lạc, phục vụ đắc lực và kịp thời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Ngay sau khi nước nhà độc lập, năm 1976, Ngành Bưu điện thống nhất cả nước, tổ chức Công đoàn Ngành đã thống nhất Công đoàn các Bưu điện tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện Miền nam vào công đoàn Bưu điện Việt Nam. Lúc này tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam bao gồm 40 Công đoàn Bưu điện tỉnh, Thành phố, đặc khu và 30 Công đoàn các đơn vị trực thuộc bao gồm Công ty, Nhà máy, Xí nghiệp, Viện, Trường học...
Do đặc thù của Ngành Bưu điện và hoạt động Công đoàn trong Ngành đặc thù đó, tại Quyết định số 480/QĐ-TLĐ ngày 25/9/1989, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã phân cấp cho Công đoàn Bưu điện Việt Nam quản lý trực tiếp Công đoàn các đơn vị trong ngành. Đây là một bước ngoặt lớn về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Bưu điện Việt Nam.
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, theo đề nghị của Công đoàn Bưu điện Việt Nam và Lãnh đạo ngành Bưu điện, tại Quyết định số 1301/QĐ TLĐ, ngày 1/12/1997, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giao Công đoàn Bưu điện Việt Nam đảm nhận chức năng, nhiệm vụ Công đoàn Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Chủ trương khẳng định và tao điều kiện để CĐBĐVN tiếp tục hoạt động tốt trên cả hai lĩnh vực quản lý nhà nước và quản lý SXKD trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.
Theo các Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23/3/2005 về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn BCVTVN và Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg ngày 09/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công đoàn Bưu điện Việt Nam được Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giao đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ công đoàn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức để phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và của ngành, nhưng Công đoàn Bưu điện Việt Nam vẫn giữ nguyên tên gọi từ ngày đầu thành lập là Công đoàn Bưu điện Việt Nam.
Về quan hệ quốc tế, từ năm 1952, Công đoàn Bưu điện Việt Nam được trởthành hội viên của Công đoàn viên chức quốc tế, trong những năm qua, Công đoàn Bưu điện Việt Nam tiếp tục đặt quan hệ song phương với công đoàn Bưu điện các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức Công đoàn Quốc tế như Công đoàn Bưu chính Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Úc, tổ chức Công đoàn quốc tế UNI, mạng lưới Công đoàn Châu Á Thái bình dương UNIAPRO… tổ chức đón tiếp nhiều đoàn đến, đi thăm quan học tập trao đổi kinh nghiệm về phong trào CNVC và hoạt động Công đoàn, dự các Đại hội và Hội nghị Công đoàn trong khu vực, ký kết các chương trình hợp tác trao đổi và tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung đề ra được Công đoàn các nước đánh giá cao.
Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã qua 14 kỳ Đại hội (vào các năm: 1957, 1960, 1963, 1968, 1973, 1978, 1981, 1983, 1988, 1993, 1998, 2003, 2008, 2013). Mỗi Đại hội đều đánh dấu bước trưởng thành và phát triển, định ra phương hướng hành động cho đoàn viên công đoàn trước yêu cầu nhiệm vụ mới.
Kỷ niệm 50 năm thành lập (năm 1997), Công đoàn Bưu điện Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bức trướng thêu Mười chữ vàng truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”.
Kỷ niệm 60 năm thành lập (năm 2007), Công đoàn Bưu điện Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 65 năm thành lập (2012), Công đoàn Bưu điện Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
Với cơ cấu tổ chức gồm 113 Công đoàn Viễn thông các tỉnh - thành phố, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, công đoàn các Công ty, Cơ quan, Học viện, Trường học, Bệnh viện, Trung tâm…, hơn 1000 Công đoàn cơ sở, gần 90.000 đoàn viên, Công đoàn Bưu điện Việt Nam có quy mô lớn, số lượng đoàn viên đông đảo, với bề dày truyền thống, thực hiện tốt năng lực tập hợp, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hàng năm, được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, vị thế và uy tín của Công đoàn Bưu điện Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Đại hội 14, nhiệm kỳ 2013-2018 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam được tổ chức trong 02 ngày 12 và 13/3/2013 vừa qua với khẩu hiệu hành động: “Đổi mới - Sáng tạo - Hiệu quả”, CĐBĐVN đặt mục tiêu cho cả nhiệm kỳ, phấn đấu phát triển mới 4.500 đoàn viên mới; Đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn: 75% cán bộ Công đoàn chuyên trách có trình độ đại học phần Công đoàn; 85% cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lý luận, nghiệp vụ công đoàn; Phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn các cấp từ 30% trở lên; Phấn đấu 90% Công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh, trong đó trên 30% đạt tiêu chuẩn vững mạnh xuất sắc; Giới thiệu 6.000 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp...
Để đạt các mục tiêu đặt ra, trong nhiệm kỳ XIV, Đại hội thống nhất xây dựng triển khai các cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp” và 5 Chương trình hành động cụ thể đó là: Nâng cao Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả sản xuất kinh doanh; Xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp; Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung mọi nguồn lực; Nữ CNVC – LĐ chủ động học tập, lao động sáng tạo, kinh doanh hiệu quả, gia đình hạnh phúc; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn.
Ban Chấp hành CĐBĐVN khóa XIV, nhiệm kỳ 2013-2018. Ảnh Ngọc Ninh
Thực hiện các quyết định của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã và đang tập trung hoàn thiện đề án tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, diễn ra trong lúc vừa bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định mạng lưới và công tác phục vụ, vừa đồng thời cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại lao động. Đến nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được thành lập (từ 1.1.2008) và chính thức tách ra khỏi Tập đoàn từ ngày 1.1.2013. Công đoàn của Tổng công ty cũng đang hoàn thiện đề án để tách, hoạt độc độc lập với Công đoàn Bưu điện Việt Nam.
Kỷ niệm 66 năm thành lập Công đoàn Bưu điện Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ Bưu điện, mỗi cán bộ công nhân viên chức, người lao động của ngành Bưu điện Việt Nam bằng quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo trong mỗi vị trí công tác và nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào tiến trình đổi mới của Bưu chính, Viễn thông Việt Nam, để Tập đoàn VNPT giữ vững vai trò chủ lực trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam giữ vững vai trò chủ lực trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát của đất nước.
BBT