Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Bưu điện Việt nam phát triển trở thành Doanh nghiệp Công nghệ số trong lĩnh vực Bưu chính và Logistics

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là đột phá chiến lược trong quá trình phát triển đất nước. Việc quán triệt và tổ chức triển khai Nghị quyết 57 tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là yêu cầu vừa mang tính chiến lược, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh cạnh tranh số ngày càng gay gắt trong lĩnh vực bưu chính - logistics.

Trong 5 năm qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã đặt những viên gạch đầu tiên quan trọng để xây dựng hệ sinh thái công nghệ số cho ngành Bưu chính Việt Nam. Một loạt hệ thống nền tảng đã được đưa vào ứng dụng đồng bộ trên toàn mạng lưới, tiêu biểu như: hệ thống MPITS; ứng dụng chăm sóc khách hàng MyVNPost; ví điện tử PostPay... Không chỉ dừng lại ở đó, Bưu điện Việt Nam cũng đã thử nghiệm nhiều công nghệ mới như trợ lý ảo AI (MiPo), kho dữ liệu lớn DWH, trung tâm điều hành thông minh IOC - thể hiện quyết tâm chuyển đổi sang mô hình vận hành thông minh và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Về mặt mô hình kinh doanh, Tổng công ty đã dịch chuyển đáng kể sang định hướng nền tảng: phát triển các sàn thương mại điện tử như buudien.vn, sàn kinh doanh nông sản, đồng thời bắt đầu hình thành hệ sinh thái tài chính số với các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán điện tử. Mô hình này từng bước góp phần đa dạng hóa doanh thu, tăng cường kết nối với khách hàng số và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng.

Song hành với công nghệ, mô hình tổ chức và nhân sự cũng được tái cấu trúc: từ việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tách biệt với khối vận hành IT truyền thống, cho đến việc kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo chuyển đổi số, triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số nội bộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng: một số dự án trọng điểm triển khai còn chậm, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa công nghệ và con người, và tư duy “chuyển đổi số là việc của IT” vẫn tồn tại ở không ít đơn vị.

Để tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được trong thời gian trước, đưa Bưu điện Việt Nam trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính và logistics, cần tập trung triển khai đồng bộ năm nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2025–2030, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW.

* Thứ nhất: là nhóm giải pháp về thể chế và cơ chế chính sách. Tổng công ty sẽ hoàn thiện quy trình, quy định liên quan đến đổi mới sáng tạo, khoán chi khoa học công nghệ, và các chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ nhân sự công nghệ cao. Song song với đó là đơn giản hóa thủ tục phê duyệt các dự án số, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

* Thứ hai: là nhóm giải pháp về công nghệ và nền tảng hạ tầng số. Bưu điện Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng kiến trúc công nghệ mới theo định hướng Cloud Native, Microservices và DevOps. Việc phát triển nền tảng tích hợp API Gateway, nền tảng dữ liệu lớn DWH và hệ thống trợ lý ảo MiPo sẽ giúp tối ưu hóa vận hành, nâng cao khả năng phục vụ khách hàng và tăng năng lực phân tích – điều hành thông minh. Bên cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ IoT, RPA, robot tự động hóa tại các trung tâm logistics nhằm nâng cao năng suất lao động và độ chính xác trong xử lý.

* Thứ ba: là nhóm giải pháp đổi mới mô hình kinh doanh và vận hành. Đây là khâu then chốt để chuyển đổi số thực sự gắn liền với hiệu quả kinh doanh. Tổng công ty sẽ triển khai các nền tảng hậu cần thông minh (OMS, TMS, WMS, BMS), phát triển hệ sinh thái phân phối - bán lẻ tích hợp (miniERP, POS, DMS), đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như sàn giao dịch dữ liệu, hệ sinh thái “tài chính bưu chính số”, dịch vụ hành chính công trực tuyến…

* Thứ tư: là nhóm giải pháp về phát triển nhân lực và xây dựng văn hóa số. Bên cạnh chương trình đào tạo kỹ năng số cho toàn thể nhân viên, Tổng công ty sẽ xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ và chuyển đổi số nội bộ, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 50 chuyên gia trình độ cao. Đặc biệt, việc thúc đẩy văn hóa “dám thay đổi - dám nghĩ lớn - dám hành động” sẽ tạo động lực quan trọng để toàn hệ thống chuyển mình theo hướng số hóa bền vững.

* Cuối cùng: là nhóm giải pháp về hợp tác và kết nối hệ sinh thái. Bưu điện Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong ngành logistics, thương mại điện tử, tài chính, đồng thời chủ động kết nối với các cơ quan chính phủ, hiệp hội và tổ chức quốc tế như UPU để chia sẻ dữ liệu, công nghệ và kinh nghiệm, qua đó hình thành hệ sinh thái số bưu chính – logistics đồng bộ và hiện đại.

 

* Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Để hiện thực hóa định hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính - logistics, Bưu điện Việt Nam đã xác lập hệ thống mục tiêu cụ thể, đo lường được, hướng đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045.

- Về tăng trưởng doanh thu, mục tiêu là doanh thu dịch vụ số đạt ít nhất 1.000 tỷ đồng/năm vào năm 2030, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2027. Trong khi đó, tỷ lệ doanh thu từ mô hình kinh doanh số phải đạt 1,8% tổng doanh thu toàn Tổng công ty. Đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa.

- Về tự động hóa và vận hành, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 80% tự động hóa các quy trình logistics (kho bãi, vận chuyển, phân loại…), 100% đơn hàng theo dõi theo thời gian thực, hệ thống trợ lý ảo AI (MiPo) sẽ hỗ trợ từ 80%-100% yêu cầu vận hành, chăm sóc khách hàng và quản trị nội bộ.

- Về năng lực hỗ trợ chuyển đổi số cho xã hội, đến năm 2030, Tổng công ty đặt mục tiêu hỗ trợ 150.000 doanh nghiệp SME và 300.000 hộ gia đình trên cả nước tiếp cận và sử dụng dịch vụ số. Bưu điện Việt Nam sẽ đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của chính phủ trong chuyển đổi số cộng đồng và phát triển kinh tế số toàn dân.

Những mục tiêu này không chỉ là yêu cầu, định hướng cho sự phát triển nội tại của Bưu điện Việt Nam, mà còn thể hiện cam kết đóng góp tích cực của Tổng công ty vào sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia, đúng như tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW đã đề ra.

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt bản lề trong hành trình chuyển đổi số của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, mở ra giai đoạn phát triển bứt phá từ 2025 đến 2030. Với tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cao, Chi bộ Trung tâm ĐMST cùng các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực để triển khai toàn diện và đồng bộ các dự án chuyển đổi số, từ hạ tầng công nghệ số, quản trị dữ liệu lớn đến các dịch vụ số hóa thông minh. Với sự đồng lòng của toàn thể hệ thống và quyết liệt từ Lãnh đạo đến từng cán bộ, nhân viên và người lao động, nỗ lực tạo nên sự đột phá mạnh mẽ, khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và vươn mình ra thế giới của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Chi bộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo