Phát huy thế mạnh, hiệu quả của mạng lưới Bưu điện Việt Nam để thúc đẩy kinh doanh Dịch vụ Phân phối và Bán lẻ hàng hóa trên kênh bưu điện

Trong bối cảnh thị trường phân phối – bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và các chuỗi phân phối hiện đại, việc khai thác, phát huy lợi thế về mạng lưới, nhân lực và hạ tầng của Bưu điện Việt Nam để trở thành lực lượng phân phối hàng hóa quốc gia là hướng đi chiến lược, phù hợp với chủ trương của Đảng ủy Tổng công ty giai đoạn 2025 - 2030.

Chi bộ Ban ĐHKD PP&BL xác định rõ vai trò chính trị của mình là hạt nhân lãnh đạo trực tiếp lĩnh vực kinh doanh phân phối – bán lẻ. Trong thời gian qua, Chi bộ đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ Tổng công ty thành chương trình hành động cụ thể, từng bước đưa lĩnh vực này trở thành một trong ba trụ cột kinh doanh chính của Bưu điện Việt Nam.

I. PHÁT HUY LỢI THẾ MẠNG LƯỚI TRONG PHÁT TRIỂN KINH DOANH PHÂN PHỐI – BÁN LẺ

1. Mạng lưới phủ rộng – nền tảng độc nhất

Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp Bưu chính duy nhất hiện nay sở hữu hệ thống mạng lưới hơn 13.000 điểm phục vụ đến cấp xã, huyện trên cả nước, bao phủ cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi các chuỗi bán lẻ truyền thống chưa tiếp cận. Đây là lợi thế chiến lược để phát triển phân phối hàng hóa quốc gia và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

2. Khai thác hiệu quả mạng lưới thông qua mô hình kinh doanh hiện đại

Trong cuối nhiệm kỳ qua, Chi bộ Ban PPBL đã lãnh đạo chỉ đạo triển khai cụ thể các chương trình hành động trọng tâm để hiện thực hóa định hướng của Đảng ủy Tổng công ty, tiêu biểu:

- Chuyển đổi hơn 1.000 điểm phục vụ thành điểm bán hàng hóa đạt tiêu chuẩn, tăng năng suất từ 16,2 triệu đồng lên ~21 triệu đồng/điểm/tháng và phát động triển khai chiến dịch ngày bán hàng “Happy Day” tại 2.800 điểm bán hàng để ứng phó kịp thời với việc thay đổi cơ cấu khách hàng hưu trí đây là tập khách hàng chủ lực và truyền thống của Bưu điện.

- Tổ chức kênh bán hàng KHL (B2B) một cách bài bản, đồng thời mở rộng kênh bán thông qua việc tham gia các hoạt động đấu thầu cung ứng hàng hóa cho tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng doanh thu B2B trong năm 2024.

- Phát triển kênh đại lý, tạp hóa, kết nối gần 20.000 điểm bán đại lý mới trên toàn quốc, mở rộng phạm vi phục vụ của Bưu điện đến từng cụm dân cư, người dân trên địa bàn.

- Thiết kế và xây dựng mô hình “Bách hóa Bưu điện” - chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại gắn với thương hiệu Bưu điện Việt Nam, phục vụ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, góp phần xây dựng niềm tin ở khách hàng và hình ảnh một Bưu điện Việt Nam đổi mới và hiện đại.

II. GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT HUY MẠNG LƯỚI VÀ NGUỒN LỰC TRONG PHÂN PHỐI – BÁN LẺ

Chi bộ Ban PPBL xác định rõ vai trò của mình không chỉ là đơn vị đầu mối triển khai nghiệp vụ kinh doanh, mà còn là hạt nhân lãnh đạo việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Tổng công ty trong lĩnh vực phân phối & bán lẻ, là động lực cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Bưu điện Việt Nam. Các giải pháp cụ thể dưới đây được xây dựng xoay quanh 4 mục tiêu lớn:

1. Mục tiêu: Hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu và mở rộng quy mô phân phối, bán lẻ trên phạm vị toàn quốc

* Giải pháp: Phát triển đa kênh – khai thác đồng bộ mạng lưới hiện hữu và đại lý bên ngoài

- Phát triển Kênh bán lẻ mô hình (O&O): Tăng tốc chuyển đổi 3.000 điểm phục vụ (Bưu cục, BĐ-VHX) thành các cửa hàng Bách hóa Bưu điện có chuẩn nhận diện, quy trình vận hành, công nghệ bán hàng (POS), bảo đảm doanh thu tối thiểu 200 - 300 triệu đồng/điểm/tháng.

- Kênh đại lý - tạp hóa (GT): Tiếp cận và cung cấp nền tảng quản lý bán hàng miễn phí cho 100.000 đại lý, cửa hàng tạp hóa mỗi năm. Kết nối hệ thống đại lý/tạp hóa với nhà sản xuất thông qua hệ thống logistics – kho hàng của Bưu điện, từng bước hình thành mạng phân phối gián tiếp có kiểm soát.

- Kênh B2B (Khách hàng lớn/doanh nghiệp): Chủ động tổ chức cung cấp trọn gói hàng hóa – vận chuyển – hóa đơn – bảo hành cho khách hàng tổ chức, cơ quan công, tiếp tục tham gia sâu rộng vào hoạt động đấu thầu trở thành nhà cung cấp hàng hoá lớn, chuyên nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng bình quân 30% doanh thu B2B/năm, đạt tối thiểu 2.500–3.000 tỷ đồng trong toàn nhiệm kỳ.

2. Mục tiêu: Triển khai thành công chuỗi cửa hàng Bách hóa Bưu điện và tạo mô hình điểm về bán lẻ vùng nông thôn

* Giải pháp: Chuẩn hóa mô hình điểm bán – kết hợp giữa thương mại hiện đại và đặc thù nông thôn

- Xây dựng mô hình vận hành mẫu tại các địa bàn điển hình: thực hiện đào tạo, huấn luyện lực lượng vận hành, bố trí lại trưng bày, áp dụng công nghệ và chính sách giá riêng.

- Phân tầng danh mục hàng hóa theo vùng miền (miền núi, đồng bằng, ven biển), ưu tiên nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng địa phương có sức tiêu thụ tốt, đồng thời thử nghiệm mô hình phân phối thẻ thanh toán, dịch vụ cộng đồng.

- Kết hợp truyền thông, tổ chức ngày hội tiêu dùng tại điểm bán lớn, tích hợp bán hàng - truyền thông - chăm sóc khách hàng để tạo thói quen tiêu dùng mới.

3. Mục tiêu: Hiện đại hóa hệ thống công nghệ quản trị – vận hành phân phối bán lẻ

* Giải pháp: Ứng dụng đồng bộ các nền tảng CNTT từ Trung ương đến địa phương

- Triển khai hệ sinh thái phần mềm: POS (bán lẻ), DMS (đại lý), OMS (đơn hàng), CRM (quản lý khách hàng), WMS (kho hàng), ERP (điều hành tập trung).

- Đầu tư hệ thống dashboard báo cáo điều hành thông minh, tự động hóa luồng dữ liệu từ điểm bán lên Tổng công ty (realtime), từ đó hỗ trợ ra quyết định nhanh, giảm thời gian phân tích.

- Phát triển công cụ Loyalty, khảo sát ý kiến khách hàng, AI dự báo hàng hóa bán chạy và hành vi tiêu dùng theo khu vực.

- Mục tiêu đến năm 2027: 100% các điểm bán, đại lý, Bưu cục có kết nối phần mềm bán hàng, 70% khách hàng B2C sử dụng hóa đơn điện tử và thanh toán không tiền mặt.

4. Mục tiêu: Gia tăng sức mạnh chuỗi cung ứng - phát triển nhà cung cấp và hệ thống hậu cần

* Giải pháp: Tăng cường đàm phán với NCC và tái cấu trúc logistics

- Tái đàm phán với các nhà cung cấp chủ lực để tăng chiết khấu trung bình từ 2-5%, ký kết theo khối lượng cam kết theo quý, năm.

- Triển khai đấu thầu tập trung để tối ưu chi phí nhập hàng và giảm rủi ro phân tán đầu mối.

- Tổ chức hệ thống cung ứng 3 cấp (DC - tỉnh - điểm bán) với hệ thống xe tuyến luân chuyển cố định, rút ngắn thời gian giao hàng xuống tối đa 2 ngày đối với khu vực đồng bằng và 5 ngày đối với khu vực miền núi.

- Thiết lập hạn mức tồn kho theo nhà cung cấp tại từng cấp kho, giảm số vòng quay tồn kho xuống 2 lần/tháng so với 3,5 lần như hiện nay, qua đó tiết kiệm chi phí lưu kho và kiểm soát dòng tiền.

- Phát triển thêm các nhà cung cấp mới, bổ sung thêm ngành hàng mới.

 

III. VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA CHI BỘ TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

1. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ Tổng công ty thành chương trình công tác có phân kỳ, phân trách nhiệm rõ ràng cho đảng viên.

2. Tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ kinh doanh, phát huy dân chủ trong thảo luận, phản biện và triển khai công việc.

3. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn là đảng viên trẻ có năng lực quản lý, có khả năng điều hành kinh doanh theo mô hình mới.

4. Là hạt nhân lãnh đạo trực tiếp trong triển khai các nhiệm vụ đổi mới mô hình phân phối – bán lẻ trên toàn mạng lưới, thực hiện chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, doanh nghiệp điều hành chuyên nghiệp”.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỚI ĐẢNG ỦY TỔNG CÔNG TY

1. Tiếp tục chỉ đạo thống nhất triển khai mô hình kinh doanh phân phối – bán lẻ, lấy “Bách hóa Bưu điện” làm thương hiệu chủ lực, lan tỏa đồng bộ toàn mạng lưới.

2. Phân cấp, phân quyền rõ ràng cho các BĐT/TP về tổ chức mạng lưới bán hàng, đấu thầu, phát triển kênh GT, song song với tăng cường cơ chế kiểm soát rủi ro.

3. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống CNTT lõi, các nền tảng quản lý bán hàng và dữ liệu người dùng (CRM, Loyalty, AI…), phục vụ vận hành phân phối hiện đại.

4. Củng cố vai trò lãnh đạo của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

* KẾT LUẬN

Với tinh thần trách nhiệm cao, Chi bộ Ban ĐHKD PP&BL cam kết sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy Tổng công ty vào thực tiễn sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ; góp phần đưa Bưu điện Việt Nam trở thành lực lượng phân phối hàng hóa chủ lực quốc gia, vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty.

Chi bộ Ban ĐHKD Phân phối và Bán lẻ