Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển ổn định, bền vững các Dịch vụ Tài chính bưu chính trong tình hình mới

I. Hiện trạng và những thách thức trong phát triển dịch vụ TCBC.
Dịch vụ TCBC hiện đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu dịch vụ cũng như mang lại hiệu quả cao trong hoạt động SXKD của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Thông qua các dịch vụ TCBC, người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa – nơi các tổ chức tài chính truyền thống chưa bao phủ hết có cơ hội để tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm một cách đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng.
Trong các năm qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai hiệu quả hàng loạt các dịch vụ TCBC trên mạng lưới Bưu điện như: chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, huy động tiền gửi tiết kiệm, thu thập hồ sơ thông tin khoản vay tín dụng, đại lý bảo hiểm phi nhân thọ & nhân thọ, thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chuyển tiền trong nước, trả chuyển tiền quốc tế, thu – chi hộ, thu hộ thuế khoán, thanh toán hóa đơn,... với quy mô doanh thu tăng trưởng mạnh qua các năm, đóng góp gần 30% tổng doanh thu và gần 35% chênh lệch thu chi của Tổng công ty.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dịch vụ TCBC cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn:
- Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng: Các ngân hàng, công ty tài chính, ví điện tử, fintech phát triển nhanh, mở rộng dịch vụ tới cả vùng nông thôn. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng, chuyển dịch sang các kênh số khiến vai trò truyền thống của Bưu điện bị thách thức.
- Hạ tầng công nghệ và quy trình vận hành chưa đồng bộ: Một số ứng dụng chưa kết nối liên thông, còn phụ thuộc vào xử lý thủ công, dẫn đến sai sót, chậm trễ trong giao dịch và đối soát.
- Đội ngũ phục vụ chưa đồng đều: Chất lượng phục vụ ở một số địa phương còn phụ thuộc nhiều vào cá nhân giao dịch viên.
- Chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ trong các giao dịch thanh toán đã ảnh hưởng trực tiếp tới các dịch vụ TCBC của Tổng công ty, vốn chủ yếu được hình thành theo mô hình đại lý, trung gian.
- Yêu cầu kiểm soát rủi ro và an toàn thông tin ngày càng khắt khe: Cơ quan quản lý yêu cầu nâng cao chất lượng dữ liệu, bảo vệ thông tin người dùng, đảm bảo tuân thủ pháp lý chặt chẽ – trong khi cơ chế kiểm soát nội bộ vẫn đang được hoàn thiện.
Những khó khăn nêu trên cho thấy để dịch vụ TCBC tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, cần có sự đổi mới tư duy, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ và đặc biệt phải triển khai các giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ.
Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ TCBC đã xác định rõ vai trò chính trị của mình là hạt nhân lãnh đạo trực tiếp lĩnh vực kinh doanh dịch vụ TCBC trên toàn mạng lưới. Trong thời gian qua, Chi bộ đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ Tổng công ty thành chương trình hành động cụ thể, từng bước để tiếp tục đưa dịch vụ TCBC là một trong ba trụ cột kinh doanh chính của Bưu điện Việt Nam, góp phần quan trọng trong hoạt động SXKD và mang lại hiệu quả cao trên mạng lưới.
II. Về quan điểm và định hướng phát triển
Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ TCBC xác định: phát triển dịch vụ tài chính không đơn thuần là nhiệm vụ kinh doanh, mà còn là trách nhiệm chính trị quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tài chính toàn diện quốc gia, đưa dịch vụ tài chính đến mọi người dân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần bám sát 3 định hướng chiến lược:
1. Lấy khách hàng làm trung tâm: Mọi cải tiến dịch vụ đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt người cao tuổi, người dân nông thôn – đối tượng chính của dịch vụ TCBC.
2. Phát triển bền vững, an toàn và tuân thủ: Đảm bảo chất lượng dịch vụ, minh bạch trong giao dịch, tuân thủ quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu Bưu điện Việt Nam.
3. Chuyển đổi số toàn diện, đổi mới mô hình hoạt động: Tận dụng lợi thế mạng lưới và dữ liệu người dùng, áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả vận hành và phát triển các sản phẩm tài chính mới gắn với nhu cầu thực tiễn.
III. Về các giải pháp nhằm phát triển ổn định, bền vững các dịch vụ TCBC trong tình hình mới
Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ TCBC xác định rõ vai trò của mình không chỉ là đơn vị đầu mối triển khai nghiệp vụ kinh doanh, mà còn là hạt nhân lãnh đạo việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Tổng công ty trong lĩnh vực tài chính & bán lẻ, là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Bưu điện Việt Nam. Các giải pháp trọng tâm, cụ thể dưới đây được đề xuất, xây dựng để triển khai thực hiện các mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ 2025–2027:
1. Hoàn thiện mô hình cung ứng dịch vụ tài chính cộng đồng
- Chuyển đổi các điểm phục vụ tài chính từ chức năng tiếp nhận “giao dịch – chi trả” một cách thuần túy sang mô hình “điểm tài chính cộng đồng”, tích hợp đa chức năng trong cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong cộng đồng dân cư.
- Chuyển đổi từ cung cấp các dịch vụ tài chính riêng lẻ sang cung cấp các giải pháp tài chính đa dạng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh.
- Phát triển mô hình khai thác các dịch vụ TCBC theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ, khách hàng, đặc biệt các dịch vụ đòi hỏi khả năng quản lý, bán hàng cao như nhóm dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm.
2. Chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ
Tiếp tục hoàn thiện, ban hành Bộ tiêu chuẩn chất lượng, quy trình quản trị, kiểm soát rủi ro dịch vụ TCBC áp dụng thống nhất toàn quốc. Tăng cường đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ nhân viên tuyến đầu. Thực hiện khảo sát mức độ hài lòng khách hàng định kỳ làm căn cứ điều chỉnh.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và số hóa quy trình
- Hoàn thiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ tập trung, liên thông với các cơ quan QLNN các cấp, các đối tác (BHXH, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, ...). Ứng dụng công nghệ eKYC, mã hóa thông tin, đối soát thời gian thực, cảnh báo sai lệch sớm. Triển khai giải pháp quản trị dữ liệu để phục vụ kiểm tra – kiểm soát, đánh giá hiệu quả dịch vụ.
- Ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong kinh doanh để đáp ứng được các thay đổi của thị trường, nhu cầu của khách hàng.
4. Phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với đặc thù địa phương và mạng lưới Bưu điện
- Xây dựng các gói dịch vụ tích hợp, đơn giản, dễ hiểu, thân thiện với người dùng nông thôn. Phối hợp các ngân hàng, công ty bảo hiểm thiết kế sản phẩm tài chính vi mô, tiết kiệm, bảo hiểm nhỏ lẻ gắn với đặc thù khách hàng tiềm năng của Bưu điện, góp phần mở rộng dịch vụ tài chính toàn diện.
- Bưu điện tham gia sâu vào toàn bộ các công đoạn của sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cung cấp (ví dụ: trong dịch vụ tín dụng là đánh giá khách hàng, chăm sóc, quản lý nợ, hỗ trợ khách hàng; trong dịch vụ bảo hiểm là hỗ trợ chăm sóc khách hàng, giám định, bồi thường …)
5. Tăng cường kiểm soát nội bộ và phòng ngừa rủi ro.
Hoàn thiện quy trình kiểm tra nội bộ định kỳ, đột xuất. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát từ xa, quản lý dữ liệu giao dịch. Nâng cao vai trò của cán bộ phụ trách nghiệp vụ tại địa phương trong việc phát hiện, xử lý sớm rủi ro.
IV. Về vai trò lãnh đạo của Chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị
1. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ Tổng công ty thành chương trình công tác có phân kỳ, phân trách nhiệm rõ ràng cho đảng viên.
2. Tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ kinh doanh, phát huy dân chủ trong thảo luận, phản biện và triển khai công việc.
3. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn là đảng viên trẻ có năng lực quản lý, có khả năng điều hành kinh doanh theo mô hình mới.
4. Là hạt nhân lãnh đạo trực tiếp trong triển khai các nhiệm vụ đổi mới mô hình phân phối - bán lẻ trên toàn mạng lưới, thực hiện chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, doanh nghiệp điều hành chuyên nghiệp”.
V. Kết luận
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của người dân ngày càng thay đổi nhanh chóng, dịch vụ TCBC cần có bước đi đột phá để khẳng định vai trò là cầu nối tin cậy giữa người dân với các các cơ quan QLNN, các đối tác, các tổ chức KTXH.
Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ TCBC cam kết tiếp tục phát huy vai trò tham mưu chiến lược, chủ động đổi mới tư duy, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu, đồng hành cùng các đơn vị trong toàn hệ thống để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển dịch vụ tài chính ổn định, bền vững – góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ngày càng phát triển.