Xây dựng và phát triển hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã trong thời kỳ mới

Nếu như năm 2017 được coi là năm bản lề, đánh dấu sự thay đổi căn bản trong công tác triển khai và điều hành kinh doanh tại Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) thì năm 2023 trước những đòi hỏi cấp thiết để phù hợp với xã hội và thị trường Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục yêu cầu các đơn vị trên toàn mạng lưới đẩy mạnh toàn diện các hoạt động tại BĐ-VHX nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và nâng cao năng lực phục vụ.

C T03 Bdvhx 1

Nhân viên BĐ-VHX được yêu cầu nâng cao về trình độ và chất lượng phục vụ nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng

Sau 6 năm thực hiện chỉ thị 03/CT-BĐVN của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ngày 08/04/2017 về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐ-VHX, cùng với sự đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới, trang bị công cụ dụng cụ của Tổng công ty, toàn mạng lưới đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2017-2022, số lượng BĐ-VHX tăng từ 7.866 điểm lên 8.380 điểm; doanh thu tăng trưởng bình quân 23% mỗi năm; doanh thu bình quân điểm bán/tháng cũng tăng hơn 100% từ mức 21 triệu/điểm lên mức 46,85 triệu/điểm.

Năm 2023, nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện các hoạt động tại BĐ-VHX phù hợp với quá trình chuyển đổi số của Bưu điện Việt Nam và đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị cũng như nâng cao năng lực phục vụ, ngày 15/6/2023, Tổng công ty ban hành Chỉ thị số 03/CT-BĐVN về xây dựng và phát triển BĐ-VHX trong thời kỳ mới.

Theo đó, hệ thống BĐ-VHX cần đóng vai trò là hạt nhân quan trọng trong sự phát triển của Bưu điện Việt Nam. Trọng tâm kinh doanh dần chuyển dịch về địa bàn xã theo mô hình kết nối O2O (kết hợp của các kênh Online và Offline) với điểm chạm cơ sở chính là BĐ-VHX để thiết kế hệ thống vật lý trên nền tảng công nghệ thông tin thống nhất. Các kênh kinh doanh cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng cường xã hội hóa, tạo điều kiện mở rộng và phát huy nhiều hơn nữa vai trò của BĐ-VHX qua các hình thức hợp tác và chính sách mới. Do vậy, cần có sự thay đổi trong tư duy, hành động cụ thể từ các cấp lãnh đạo tới người lao động trực tiếp tại từng BĐ-VHX cũng như tăng tính chủ động trong kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và gần gũi hơn với người dân nông thôn.

Bên cạnh mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu kênh BĐ-VHX trên tổng doanh thu của Toàn công ty lên 25% - 35% đến năm 2025, Chỉ thị 03 cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản và tự động hóa các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ; Triển khai hiệu quả mô hình kênh phân phối hiện đại nâng tầm vai trò nhà bán sỉ của BĐ-VHX trên địa bàn; Đa dạng hóa hình thức bán hàng trực tiếp, trực tuyến; Đẩy mạnh các nền tảng tự phục vụ; Nâng cao trình độ, thái độ phục vụ của nhân viên; Phát triển mô hình Trưởng BĐ-VHX và BĐ-VHX cấp quản lý thứ 4,…

BĐ-VHX tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác, tận dụng và phát huy nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện có để phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân.

C T03 Bdvhx 3

Người dân đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại BĐ-VHX

Song song đó, BĐ-VHX cùng với mạng Bưu chính công ích sẽ tiếp tục trở thành hệ thống điểm cung cấp dịch vụ hành chính công, đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền với người dân, giúp người dân tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng nhất với các dịch vụ công của Chính phủ; đồng thời cũng là nơi đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống người dân nông thôn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...).

Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐ-VHX theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở phát huy những thế mạnh vốn có về năng lực, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, công nghệ thông tin để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị.