Hôm nay miền Bắc đón đợt không khí lạnh, mùa đông giờ lạ lắm, hiếm hoi mới có đợt lạnh. Lâu rồi mới lại được xuýt xoa vì lạnh, ngồi bên bếp than hồng chờ bắp ngô nướng trong giá rét mùa đông. Từng dòng người hối hả ngược xuôi, mua mua bán bán, họ sắm Tết. Tết sắp đến thật rồi!
Theo quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, Tết Nguyên đán là ngày đặc biệt quan trọng, là thời gian ý nghĩa nhất trong năm, là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ. Tết đến rồi, như hối thúc những người con xa quê, mau chóng trở về, về với quê hương, về với gia đình, về Nhà thôi – nơi đó có Bố Mẹ, người thân luôn mong chờ ta về. Tết còn là niềm hy vọng vào những điều tốt lành, khởi đầu một năm mới thuận lợi.
Đã thành thông lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem bưu chính “Tết Giáp Thìn”, như là lời chúc một năm mới đong đầy hạnh phúc, bình an, may mắn, tài lộc đến với mọi người, mọi nhà.
Tem Tết năm nay với hình ảnh trung tâm là linh vật của năm (Rồng) - con vật duy nhất trong 12 con giáp ra đời từ trí tưởng tượng của con người. Mặc dù vậy, hình ảnh con Rồng lại rất phổ biến trong đời sống người dân, gắn bó, hòa hợp một cách thân gần, biểu tượng phong phú, đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Nhắc đến Rồng không thể không nhắc đến sự tích “con Rồng cháu Tiên” mà ở đó, tổ tiên người Việt xuất phát từ Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy Âu Cơ (vốn là tiên). Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người. Rồng cũng là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, là linh vật trong tứ linh “Long, Ly, Quy, Phụng”…
Bộ tem “Tết Giáp Thìn”
Thể hiện trên mẫu tem là hình ảnh rồng bay lên (Thăng Long) và rồng hạ xuống (Hạ Long), biểu tượng cho hai Di sản thế giới của Việt Nam cần được gìn giữ, bảo tồn là Hoàng thành Thăng Long - nơi rồng bay lên và Vịnh Hạ Long - nơi bình an rồng hạ xuống. Hình tượng cá chép hoá rồng được thể hiện chìm và hòa quyện trên nền tem, là biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và thành công. Cá chép hóa rồng còn thể hiện sự tài ba, phẩm chất khác biệt, sự kiên trì bền bỉ, sự hy sinh và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn thử thách để đạt được ước mơ hóa rồng, qua đó thể hiện sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước trong thời đại mới, hoà nhịp cùng sự phát triển của thế giới để hiện thực giấc mơ trở thành đất nước phát triển - con rồng Châu Á.
Từ năm 2019, mẫu thiết kế chuỗi tem Tết 12 con giáp được đồng nhất về phong cách, khuôn khổ tem. Bên cạnh hình ảnh linh vật của năm, bộ tem còn giới thiệu những phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc, qua đó giới thiệu những nét độc đáo trong văn hóa đón Tết của người Việt, tạo nên nét đặc biệt của tem Tết do Việt Nam phát hành. Điểm danh các bộ tem Tết phát hành trong các năm gần đây, có thể thấy: Bộ tem “Tết Canh Tý” phát hành năm 2019 bắt đầu một chu kỳ con giáp mới, giới thiệu phong tục ngày Tết với bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai; bộ tem “Tết Tân Sửu” giới thiệu mâm ngũ quả ngày Tết; bộ tem “Tết Nhâm Dần” giới thiệu trò chơi của đồng bào dân tộc miền núi trong những ngày Tết; bộ tem “Tết Quý Mão” giới thiệu phong tục lì xì may mắn đầu năm. Năm nay, bộ tem “Tết Giáp Thìn” thể hiện hình ảnh cá chép biểu tượng cho phong tục tiễn ông Công ông Táo về trời - một trong những nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là nét đặc trưng trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Mẫu blốc
Mẫu blốc thể hiện hình ảnh đại gia đình nhà rồng bay lên cùng những áng mây hình khánh tượng trưng cho sự bình an, may mắn. Hình ảnh 9 con rồng quần tụ được thể hiện trên blốc biểu tượng cho dòng sông Cửu Long uốn lượn đổ ra 9 cửa biển đem lại sự trù phú cho kinh tế nông nghiệp miền Tây Nam Bộ.
Bộ tem được phát hành ngày 24/12/2023, do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế.
Thông qua bộ tem Tết, là lời chúc về một năm mới an khang, thịnh vượng, mã đáo thành công, lộc đến nhà nhà.
Ban Tem Bưu chính