Sáng ngày 6/9, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức họp trực tuyến chỉ đạo, triển khai, rà soát công tác ứng phó, phòng chống siêu bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) cùng các đơn vị Bưu điện miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin truyền thông về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức triển khai, rà soát công tác ứng phó, phòng chống bão tại các địa phương trọng yếu ảnh hưởng bởi bão. Tổng Giám đốc Chu Quang Hào, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Anh dự và chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống siêu bão.
Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão
Bão số 3 dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là các địa bàn dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, vùng tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13. Để chủ động ứng phó với bão số 3, Tổng công ty yêu cầu Giám đốc các đơn vị chỉ đạo tổ chức đôn đốc, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần chủ động ở mức cao nhất nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Hình ảnh cơn bão số 3 cập nhật lúc 11h sáng ngày 6/9/2024
Quán triệt công tác phòng, chống siêu bão số 3, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào yêu cầu các đơn vị làm việc với tinh thần trực chiến cao nhất, quán triệt và triển khai ngay các công tác phòng, chống bão. Do không còn nhiều thời gian, công tác chuẩn bị cần hết sức khẩn trương.
Về dịch vụ KT1, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào yêu cầu các đơn vị bố trí lao động có kinh nghiệm và sức khoẻ tốt, bố trí xe ô tô để vận chuyển KT1. Trong chiều 6/9, các đơn vị phải kiểm tra lại toàn bộ công tác phòng, chống bão. Khi bão về, đảm bảo ngắt toàn bộ nguồn điện, gia cố chặt chẽ hệ thống cửa, tuyệt đối không để khu vực nào bị hở, tránh để gió luồn vào kéo theo nhiều hệ quả xấu. Ban chỉ huy các cấp cần chuẩn bị đầy đủ đèn pin, áo mưa, các thiết bị bảo hộ cũng như nhu yếu phẩm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Đặc biệt, các đơn vị không được chủ quan với hoàn lưu bão, sau khi bão về vẫn phải theo dõi sát sao tình hình, lưu ý lực lượng bưu tá không mạo hiểm, không cố đi qua đập tràn.
Các đơn vị cần điều hành linh hoạt, theo dõi 24/24 chỉ đạo của Tổng công ty cũng như chỉ đạo của địa phương. Trong đó, cần triển khai truyền thông, thông báo dừng, tạm dừng chi trả dịch vụ tại các điểm bưu cục, đảm bảo an toàn cho đối tượng thụ hưởng; đồng thời xây dựng các phương án khai thác vận chuyển hợp lý, tuyệt đối không để phương tiện vận chuyển trên đường khi bão vào.
“Việc chỉ đạo phòng, chống bão là việc của người đứng đầu cấp điều hành, vì vậy Giám đốc Bưu điện tỉnh, Giám đốc Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện, Tổng Giám đốc EMS trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bão; cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống bão ứng chiến, điều hành 24/24 để ghi nhận thông tin, tình hình thực tế của Tổng công ty và chính quyền địa phương”, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào nhấn mạnh.
Đảm bảo an toàn về con người và hạn chế thiệt hại về tài sản
Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Anh yêu cầu các đơn vị làm hết chức trách, nhiệm vụ với mức độ chi tiết, thấu đáo và sâu sát nhất trong công tác thực hiện phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện, tài sản, hàng hoá, dịch vụ. Trong đó, người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống siêu bão số 3. Đồng thời các đơn vị cũng cần nghiêm túc thực hiện công tác trực lãnh đạo, trực chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng trực thông tin 24/24 kể từ thời điểm bây giờ đến khi bão tan và cả thời điểm sau bão.
Quang cảnh cuộc họp
Về các hoạt động nghiệp vụ, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Anh lưu ý các đơn vị đặc biệt phòng tránh thiệt hại về con người, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động cũng như khách hàng. Cùng với đó, phải bảo đảm an toàn về tài sản. Cụ thể: hàng hóa phải được bọc kỹ, di chuyển lên các khu vực cao, thậm chí là di dời đến địa điểm an toàn nếu cần thiết; khẩn trương thực hiện công tác chống dột, chống tốc mái, tháo dỡ biển hiệu, với các biển hiệu lớn, không thể tháo dỡ thì phải bao bọc, cố định chắc chắn. Các đơn vị cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận hành mạng cấp 2 cùng các hoạt động tại địa bàn như thu gom, báo phát, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến tài chính, lên phương án dừng, tạm dừng dịch vụ hoặc phương án dự phòng phù hợp, tránh làm gián đoạn dịch vụ ảnh hưởng đến khách hàng. Ngoài ra, các đơn vị phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với mạng cấp 1 để điều chỉnh tần suất, đường thư... phù hợp với tình hình thực tế.
Ban Điều hành Bưu chính phối hợp Ban Điều hành Tài chính Bưu chính, Trung tâm Điều hành IOC để có thông báo nhất quán về hoạt động dịch vụ trên mạng lưới, bao gồm cả địa bàn ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi bão. Với các vấn đề thiệt hại phát sinh, các đơn vị lưu ý thống kê, báo cáo, đánh giá và tổ chức xử lý tổn thất, khôi phục lại hiện trạng để đảm bảo yêu cầu, điều kiện làm việc của mạng lưới.
Mỹ Bình