Rút Bảo hiểm xã hội một lần: Mất đi “chỗ dựa vững chắc” khi về già

Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm có trên 800.000 người rút BHXH một lần, tốc độ hưởng BHXH một lần có chiều hướng tăng qua các năm, nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng sau đại dịch Covid – 19 đã khiến người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ buộc phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống của mình. Tuy nhiên, hệ lụy của việc rút BHXH một lần là điều mà họ chưa từng nghĩ đến.

Bhxh

Việc rút BHXH một lần là lựa chọn khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Đó là người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước tổ chức thực hiện và bảo hộ; mất cơ hội hưởng lương hưu, nguồn thu nhập ổn định khi về già; mất cơ hội nhận được thẻ BHYT miễn phí hết tuổi lao động, thân nhân mất quyền lợi khi nhận các chế độ như tử tuất.

Chị Hoàng Thị D, Hậu Lộc, Thanh Hóa chia sẻ, chị đã đóng BHXH được hơn 4 năm. Sau đó, chị có dự tính đi xuất khẩu lao động nên quyết định rút BHXH nhưng giờ vướng giấy tờ nên chị không đi được nữa. Số tiền rút về quá ít so với mức chi phí sinh hoạt cuộc sống hiện tại. “Giá mà tôi suy nghĩ kỹ hơn thì tôi đã không làm thế. Ít ra nếu tham gia đóng BHXH tự nguyện, tôi sẽ được nối quá trình. Nhưng giờ đây, muốn tham gia tôi phải đóng lại từ đầu”. Chị D tâm sự thêm.

Anh Hoàng, một công nhân vừa chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp liên doanh nước ngoài nói: “Tôi làm việc được 10 năm, lương đóng BHXH trước kia là 7 triệu đồng, khi rút BHXH một lần tôi có thể tính liền số tiền hưởng trợ cấp một lần, quy ngay ra tài sản, trâu bò, làm nhà... chứ chờ lương hưu thì lâu quá”.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp “hối hận” khi quyết định rút BHXH một lần. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn H, Văn Giang, Hưng Yên dưới đây lại lựa chọn cho mình một cách khác. Sau đợt dịch Covid-19 năm 2021, anh H thất nghiệp, hoàn cảnh khó khăn, anh đã từng nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Trong một qua bưu điện – văn hóa xã Văn Giang đóng tiền điện, anh được nhân viên bưu điện tư vấn thêm về việc tham gia BHXH tự nguyện qua hệ thống của Bưu điện Việt Nam. Sau khi nghe nhân viên bưu điện tư vấn về mức đóng, cách đóng cũng như quyền lợi được hưởng, quan trọng là anh H vẫn có thể đóng nối tiếp sau khi không đóng BHXH bắt buộc.

Đến nay, anh H đang làm buôn bán tự do và đã tham gia được BHXH tự nguyện hơn 2 năm. Anh tâm sự: “Bây giờ còn trẻ còn khỏe thì còn đi kiếm tiềm được chứ về già mất sức lao động rồi đúng là không có lương hưu thì không biết xoay xở kiểu gì”.

Bhx H1

Phần lớn nhân viên đại lý thu bưu điện tại các địa phương cho biết, nhiều người rút BHXH nhưng không hiểu rõ lợi ích mà BHXH mang lại. Song cũng có người sau khi nghe tư vấn, giải đáp một cách thấu đáo, họ lựa chọn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay nhân viên bưu điện trên toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương nắm bắt danh sách những đối tượng như người làm công nhân tại doanh nghiệp, những người tham gia chưa đủ năm, những người dân có mong muốn,… được tham gia BHXH tự nguyện để tư vấn và hướng dẫn kịp thời cho họ.

Có thể thấy, việc người lao động được hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.

Người lao động cần cân nhắc kỹ “được” và “mất” khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, tránh được lợi trước mắt mà thiệt thòi lâu dài. Nếu tạm thời đang gặp khó khăn, hãy bảo lưu thời gian tham gia, khi quay lại thị trường lao động có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để có cơ hội hưởng chế độ hưu trí.