Các giải pháp đột phá phát triển kinh doanh nhóm Dịch vụ BCCP của Tổng công ty giai đoạn 2025 - 2030

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, sự phát triển kinh tế - xã hội không thể tách rời khỏi yêu cầu đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại toàn văn Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia rằng: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.”

Lời phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ là kim chỉ nam cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn là định hướng cốt lõi để ngành Bưu chính – trong đó có nhóm dịch vụ BCCP – xác lập chiến lược phát triển dài hạn. Đây là cơ sở để Tổng công ty Bưu điện Việt Nam định hình một tầm nhìn mới cho giai đoạn 2025 - 2030, trong đó trọng tâm là chuyển đổi mô hình từ bưu chính truyền thống sang bưu chính số và logistics tích hợp – phù hợp với xu thế toàn cầu và yêu cầu trong nước.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và kinh tế số, đang đặt ra nhiều cơ hội và cũng nhiều khó khăn khi Tổng công ty vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức như hiệu suất vận hành chưa cao, chi phí lớn, tốc độ giao hàng chưa đồng đều; chưa bao phủ toàn diện đối với khách hàng thương mại điện tử, thiếu dịch vụ chuỗi cung ứng trọn gói; nguồn nhân lực chuyên sâu chưa đủ, tự động hóa còn giới hạn. Do đó, đây chính là thời điểm để Tổng công ty tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, cần tập trung vào một số giải pháp lớn trong giai đoạn 2025 – 2030 như sau:

1. Đột phá trong phát triển mạng lưới và mô hình vận hành

- Tái cấu trúc mạng lưới khai thác - vận chuyển theo mô hình “Hub & Spoke” hiện đại, giảm thời gian toàn trình và chi phí logistics.

- Phát triển mạnh mô hình PUDO và SmartLocker đến tận cấp xã, kết hợp mạng lưới bưu cục, đại lý, nhà văn hóa.

- Mở rộng mô hình phát hàng theo cụm dân cư, thí điểm giao nhận bằng phương tiện điện và phương tiện tự hành ở đô thị lớn.

2. Đột phá trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ

- Xây dựng nền tảng điều hành tập trung, tích hợp dữ liệu vận hành, khách hàng, tài chính.

- Triển khai App VNPost đa chức năng, cung cấp trải nghiệm số hóa toàn trình.

- Ứng dụng AI, IoT và Blockchain trong theo dõi hàng hóa, giám sát hành trình và đảm bảo minh bạch chất lượng dịch vụ.

- Đầu tư hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình khai thác - vận chuyển - phát, và nâng cao năng lực điều hành theo thời gian thực dựa trên dữ liệu số.

3. Xây dựng hệ sinh thái sản phẩm số toàn diện:

Phát triển các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao như eFulfillment, ePacket, và các giải pháp logistics chuyên biệt phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Những sản phẩm này cần trở thành mũi nhọn chiến lược, phục vụ hiệu quả cả thị trường trong nước và quốc tế.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế và nâng tầm vị thế

Tận dụng vai trò thành viên chính thức của Việt Nam trong Hội đồng khai thác bưu chính (POC) - Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) để mở rộng thị phần, chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ, và nâng cao năng lực cạnh tranh của Bưu điện Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Đột phá trong tổ chức kinh doanh và chăm sóc khách hàng

Tổ chức đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp theo ngành hàng, địa bàn; áp dụng mô hình quản trị khách hàng trọng điểm (KAM).

Thiết lập hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh, hoạt động 24/7, chủ động xử lý phản hồi, khiếu nại.

Ban hành cơ chế giá, chính sách chiết khấu linh hoạt, tạo động lực giữ chân và phát triển khách hàng lớn

6. Đột phá trong công tác tổ chức - quản trị - nguồn nhân lực

Xây dựng hệ thống quản trị số dựa trên dữ liệu thời gian thực; triển khai các chỉ số đo lường hiệu suất theo mô hình KPI/SLA.

Nâng cao năng lực đội ngũ, nhất là thế hệ cán bộ trẻ, giỏi công nghệ, có tư duy đổi mới, hội nhập.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với tinh thần phục vụ nhân dân, trung thành với Đảng, tiên phong trong đổi mới.

Với các giải pháp và định hướng trên, mục tiêu đến năm 2030 được xác định như sau:

  • Dịch vụ BCCP đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trên 10%/năm;
  • Chiếm tối thiểu 30% thị phần thương mại điện tử nội địa;
  • Lọt vào Top 3 doanh nghiệp bưu chính hàng đầu khu vực ASEAN;
  • Giữ vững/Nâng hạng chỉ số tích hợp phát triển (2IDP) theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).

Đây không chỉ là định hướng chiến lược, mà còn là lời hiệu triệu tới toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động Bưu điện: cùng đồng lòng, đổi mới tư duy, bứt phá hành động, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Tổng công ty trong kỷ nguyên số.

Để hiện thực hóa các giải pháp, tôi mạnh dạn đề xuất Đại hội xem xét đưa nhiệm vụ chuyển đổi số và hiện đại hóa dịch vụ bưu chính chuyển phát trở thành trụ cột trong chiến lược toàn diện nhiệm kỳ. Và giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh và cải cách mô hình vận hành dịch vụ bưu chính chuyển phát.

Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để dịch vụ BCCP tiếp tục giữ vững vai trò là một trong bốn trụ cột chiến lược của Tổng công ty, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Bưu điện cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hành động và bản lĩnh vượt khó.

Chúng ta không chỉ là những người vận chuyển hàng hóa, thông tin, mà còn là cầu nối giữa công nghệ - con người - dịch vụ - quốc gia trong thời đại số.

Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng cống hiến và tinh thần tiên phong, tôi tin tưởng rằng dịch vụ BCCP sẽ tiếp tục vai trò là động lực tăng trưởng bền vững, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị, khẳng định vị thế doanh nghiệp quốc gia trong chuỗi logistics và kinh tế số của Tổng công ty, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ Bưu chính chuyển phát