Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ Logistics thành lĩnh vực kinh doanh chủ lực của Tổng công ty, đóng góp tích cực vào định hướng kinh doanh giai đoạn 2025 - 2030 của Tổng công ty

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ vai trò chiến lược của ngành logistics trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế bền vững và hội nhập hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với nỗ lực tạo làn gió mới - đột phá sáng tạo nhanh và mạnh, nhiều nghị quyết mang tính quyết sách định hướng chiến lược đã được Trung ương và Chính phủ ban hành, trong đó nổi bật là “Bộ tứ Chiến lược” với 04 Nghị quyết chiến lược có tác động sâu sắc, làm thay đổi căn bản định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Đây là những định hướng lớn, triển khai đồng bộ, có ý nghĩa quyết định: vừa mở rộng không gian phát triển, vừa tạo động lực và hành lang chính sách thuận lợi để ngành logistics từng bước nâng tầm. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt nền móng về công nghệ và năng suất cho các lĩnh vực chủ lực, trong đó logistics là ngành cần ưu tiên chuyển đổi. Nghị quyết 59-NQ/TW về hợp tác quốc tế đến 2030 nhấn mạnh vai trò hợp tác như một trụ cột chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp ngành logistics mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển hành lang logistics xuyên biên giới và tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới. Nghị quyết 66-NQ/TW yêu cầu đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hiện đại cho doanh nghiệp. Nghị quyết 68-NQ/TW khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư hạ tầng, dịch vụ và đổi mới mô hình logistics.
Sự kết hợp giữa đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, hoàn thiện thể chế và phát triển kinh tế tư nhân đang mở ra không gian phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành logistics Việt Nam đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định 221/QĐ-TTg) đã xác lập mục tiêu đầy tham vọng: đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics khu vực, đóng góp 5–6% GDP, tăng trưởng bình quân 15–20% mỗi năm.
Trên nền tảng các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo về chiến lược kinh doanh của Đảng bộ Tổng công ty giai đoạn 2025 – 2030, Công ty Logistics, với vai trò là đơn vị chủ lực của Tổng công ty BĐVN trong lĩnh vực logistics, đã và đang tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ tích hợp, từ kho bãi, vận tải, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới cho đến các giải pháp toàn diện cung cấp chuỗi cung ứng. Với những thế mạnh kế thừa từ Tổng công ty BĐVN gồm hệ thống mạng lưới rộng khắp toàn quốc, thương hiệu quốc gia với uy tín lâu đời, năng lực hạ tầng không ngừng được mở rộng và khả năng tích hợp sâu giữa bưu chính và logistics, Công ty đang sở hữu những lợi thế lớn mà ít doanh nghiệp trong ngành có được. Tuy nhiên, để có thể thực sự cạnh tranh với các tập đoàn logistics hàng đầu trong nước và quốc tế, cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá và tầm nhìn chiến lược.
Chính vì vây, Chi bộ Công ty Logistics đặt mục tiêu đến năm 2027 đạt doanh thu logistics 5.435 tỷ đồng với mức tăng trưởng mục tiêu giai đoạn 2025–2027 đạt hơn 218%, thể hiện tham vọng bứt phá về quy mô, năng lực và vị thế trên thị trường logistics trong nước và quốc tế, đồng thời hướng đến vị trí trong Top 10 doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam với định vị rõ nét là đơn vị logistics dẫn đầu thị trường trong các phân khúc kho ngoại quan, dịch vụ fulfillment xuất khẩu B2C, giải pháp logistics và TMĐT xuyên biên giới F2C và chuỗi cung ứng thông minh.
Để triển khai mục tiêu táo bạo nêu trên, Chi bộ Công ty cùng đồng hành với đội ngũ lãnh đạo chuyên môn và cán bộ chủ chốt tập trung triển khai đồng loạt các giải pháp để hiện thực hóa chiến lược đề ra như sau:
- Một trong các giải pháp đột phá phát triển kinh doanh là Công ty xác định rõ những điểm khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh như mạng lưới bưu chính quốc gia được kế thừa, khả năng tích hợp hệ sinh thái dịch vụ đa tầng, quan hệ quốc tế sâu rộng thông qua hệ thống bưu chính toàn cầu và vai trò doanh nghiệp nhà nước có tính kết nối đặc biệt với các bộ, ngành và đối tác quốc tế. Kim chỉ nam trong chiến lược phát triển là sự phát triển toàn diện, đồng đều các dịch vụ, tích hợp thế mạnh của dịch vụ logistics và dịch vụ bưu chính, tạo ra khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói, phù hợp theo từng phân khúc khách hàng – điều tạo nên sự khác biệt rõ nét so với các công ty logistics quốc tế vốn thường tập trung vào một số dịch vụ đơn lẻ.
- Xác định là doanh nghiệp logistics thuần Việt, có vốn nhà nước chi phối, Công ty không chỉ hướng đến thị phần trong nước mà còn quyết tâm xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế thông qua các giải pháp mang tính chiến lược, đặc thù. Điển hình là việc phát triển nhóm sản phẩm tích hợp có giá trị cao như giải pháp bonded fulfillment qua kho ngoại quan, mô hình logistics F2C cho xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, quản trị chuỗi cung ứng VMI dành cho ngành điện tử và may mặc. Đây đều là những gói dịch vụ vừa chuyên sâu, vừa linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các đối tác toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
- Ngoài ra, một trọng tâm đột phá khác là đổi mới toàn diện trong cách thức quản lý, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực. Công ty Logistics đã và đang hướng đến xây dựng đội ngũ nhân sự trẻ, có năng lực, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Việc chủ động thu hút nhân tài, trong đó có yếu tố nước ngoài, các chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế và C-level trong ngành, không chỉ nâng cao hiệu quả quản trị mà còn tạo ra cú hích về chất lượng và tốc độ trong triển khai các kế hoạch kinh doanh. Đây là chiến lược thiết yếu để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo sự phát triển linh hoạt, hiện đại và đáp ứng nhanh các biến động của thị trường trong và ngoài nước.
- Một đột phá chiến lược khác biệt nữa trong phát triển của Công ty Logistics là thực hiện mô hình đầu tư kép - kết hợp đồng thời và có chủ đích giữa đầu tư hạ tầng vật lý và phát triển nền tảng công nghệ số, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng cao nhất trong vận hành và cung cấp dịch vụ. Khác với phần lớn doanh nghiệp logistics chỉ tập trung vào một trong hai trụ cột, Công ty VNPost Logistics xác định việc đầu tư song song, đồng bộ sẽ tạo nên khả năng bao phủ thị trường sâu rộng, đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong phát triển dịch vụ.
Các điểm đầu tư hạ tầng của Công ty được lựa chọn kỹ lưỡng, gắn với lợi thế truyền thống và vị thế đặc thù của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – doanh nghiệp nhà nước có vai trò hạ tầng quốc gia. Nhờ đó, nhiều vị trí chiến lược đã và đang được triển khai, bao gồm trung tâm logistics tại sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Đáng chú ý, Công ty đang tích cực xây dựng Phương án tham gia khai thác ga hàng hóa quốc tế Long Thành, nơi được quy hoạch là một trong những đầu mối giao thương trọng điểm kết nối Đông Nam Bộ với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công ty cũng tiên phong xây dựng Đề án đầu tư Trung tâm logistics trung chuyển và fulfillment xuyên biên giới tại các khu vực tự do thương mại (Free Trade Zones – FTZ) trên cơ sở lộ trình triển khai của Chính phủ tại một số địa bàn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn và khu kinh tế cửa khẩu Lào. Đây là định hướng mang tính đón đầu xu thế hội nhập mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt kết nối trực tiếp với các chuỗi logistics và bưu chính tại các nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, Công ty tập trung mở rộng dịch vụ và thị trường thông qua việc thành lập 06 kho ngoại quan tại các khu vực kinh tế trọng điểm với sự đầu tư hệ thống công nghệ vận hành thông minh gồm WMS, TMS tích hợp AI, thiết bị tự động AGV, kho ASRS, phát triển mạnh mô hình logistics F2C TMĐT xuyên biên giới song song với hệ thống eGlobal số hóa và tói ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời ký kết các hợp đồng vận tải cố định với các hãng bay và hãng tàu biển, tích hợp thêm dịch vụ tài chính, bảo hiểm và thương mại tới khách hàng.
- Truyền thông thương hiệu cũng sẽ được đẩy mạnh với mức đầu tư 2–4 tỷ đồng mỗi năm, triển khai các chương trình hợp tác và showcase cùng các tập đoàn toàn cầu như Dell, Samsung, Apple, Nike... nhằm lan tỏa hình ảnh thương hiệu logistics quốc gia và gia tăng uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Cùng với đó, mạng lưới bán hàng sẽ được mở rộng bằng nhiều hình thức linh hoạt, từ tự doanh, liên danh cho đến hợp tác với chuyên gia và đại lý môi giới.
Trên tinh thần đó, Chi bộ Công ty Logistics kính đề nghị Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, nguồn lực và định hướng chiến lược để đồng hành cùng Chi bộ trong quá trình vượt qua các thách thức hiện hữu, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đầy kỳ vọng đã đặt ra. Sự hỗ trợ về thể chế, nhân lực và tài chính sẽ là yếu tố then chốt giúp Công ty tăng tốc chuyển đổi, bứt phá quy mô và khẳng định vai trò chủ lực trong lĩnh vực logistics của Tổng công ty.
Chi bộ Công ty Logistics khẳng định tinh thần tiên phong, quyết tâm hành động và chủ động đổi mới, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, xây dựng ngành logistics Việt Nam hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững, hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.