Khai thác thế mạnh của mạng lưới, triển khai đồng bộ các giải pháp cung cấp Dịch vụ Hành chính công tới người dân trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tinh gọn bộ máy chính quyền hành chính các cấp

Hiện nay, cả nước đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Dự kiến, sau khi sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức sẽ giảm gần 130 nghìn biên chế (cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế, cấp xã sẽ giảm hơn 110.780 biên chế).

Trong khi số lượng biên chế giảm do tinh gọn bộ máy, ở cấp cơ sở như xã, phường, thị trấn, việc duy trì khả năng phục vụ người dân trong các lĩnh vực hành chính công trở thành một thách thức lớn. Nhu cầu về dịch vụ của người dân không ngừng tăng, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, tận dụng mạng lưới và công nghệ số để ứng yêu cầu, phục vụ người dân. Người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vẫn có nhu cầu thường xuyên trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng ký khai sinh, cấp giấy chứng nhận, xác nhận cư trú, hồ sơ y tế, giáo dục, bảo hiểm,… Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là làm thế nào để xã hội hóa dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thời gian sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo việc tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân không bị gián đoạn. Với hệ thống mạng lưới có độ phủ rộng khắp, Bưu điện Việt Nam chung tay cùng chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước và trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, về thế mạnh vượt trội của mạng lưới Bưu điện: Bưu điện Việt Nam có mạng lưới phủ rộng khắp, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, nhân lực tại chỗ có kinh nghiệm về hành chính công, am hiểu địa bàn. Với hơn 13.000 điểm phục vụ, trải dài từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, hệ thống các điểm Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX) được xem là cầu nối thiết thực giữa nhà nước với người dân, nhất là ở những địa phương xa trung tâm hành chính nhất là đối với các dịch vụ hành chính công cấp tỉnh khi sáp nhập tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật hiện đại của Bưu điện đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ HCC (số hoá, dịch vụ công trực tuyến, chi trả BHXH, ASXH,..). Việc tích hợp với các nền tảng dịch vụ công quốc gia, nền tảng thanh toán số,… đã sẵn sàng. Đội ngũ nhân viên Bưu điện từ cấp tỉnh tới cấp xã có kinh nghiệm tiếp dân, hỗ trợ thủ tục, hiểu biết phong tục, ngôn ngữ địa phương, biết rõ từng người dân, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Bưu điện là đơn vị nhà nước, hoạt động công ích, có độ tin cậy cao trong lòng người dân. Đặc biệt với người cao tuổi, người ít tiếp cận công nghệ, sự có mặt của nhân viên Bưu điện tại địa phương tạo cảm giác yên tâm, gần gũi, hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch tiện lợi, an toàn.

Thứ hai, về lợi ích trong việc sử dụng mạng lưới Bưu điện để cung cấp dịch vụ hành chính công

Việc triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công của Bưu điện Việt Nam mang lại các lợi ích cho người dân, chính quyền và xã hội, cụ thể:

- Đối với người dân: Tiếp cận dịch vụ dễ dàng, không phụ thuộc vào giờ hành chính, địa giới hành chính; Giảm thời gian, chi phí đi lại, được doanh nghiệp hỗ trợ, phục vụ tận tình; Đảm bảo an toàn, kịp thời khi nhận các chính sách từ nhà nước.

- Đối với chính quyền: Giảm tải cho bộ máy hành chính cơ sở, tập trung nguồn lực vào công tác chuyên môn; Thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

- Đối với xã hội: Góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, tỉnh và xã; Thúc đẩy phát triển chính phủ số, nền hành chính số; Giảm lưu lượng người tham gia giao thông; Ổn định, anh sinh xã hội; Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hành chính công một cách công bằng, minh bạch.

Thứ ba, về các giải pháp triển khai đồng bộ trên mạng lưới Bưu điện để cung cấp các dịch vụ hành chính công

- Về thể chế, cơ chế chính sách: Bưu điện Việt Nam cần đề xuất với Chính phủ ban hành các quy định pháp lý cho phép Bưu điện thực hiện vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ hành chính công; quy định rõ phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền của Bưu điện Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ thay thế, hỗ trợ cung cấp dịch vụ hành chính công; cơ chế cho phép ủy quyền một phần công vụ (hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả) cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

- Về hạ tầng công nghệ: Tổng công ty cần tăng cường trang thiết bị hiện đại tại điểm phục vụ,  máy scan, máy in, máy tính cấu hình cao, hệ thống bảo mật thông tin, đường truyền internet ổn định tại các điểm phục vụ; Xây dựng nền tảng hỗ trợ xử lý nghiệp vụ quản lý dịch vụ hành chính công nội bộ của bưu điện; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chatbot hỗ trợ người dân tự khai báo hồ sơ, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ qua điện thoại hoặc web.

- Về nhân lực và tổ chức cung ứng dịch vụ: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về thủ tục hành chính công, kỹ năng tiếp dân, đạo đức công vụ cho nhân viên bưu điện; Phân loại dịch vụ theo nhóm: hành chính công cơ bản, phức tạp, chuyên ngành… để xây dựng mô hình nhân sự phù hợp từng cấp độ; Bố trí nhân viên phụ trách riêng mảng dịch vụ hành chính công tại các điểm phục vụ (có thể lưu động khi có yêu cầu); Xây dựng sổ tay, cẩm nang nghiệp vụ từng loại dịch vụ hành chính, với các bước thực hiện chuẩn hóa, biểu mẫu đầy đủ, dễ hiểu. Hỗ trợ người dân khai báo, làm thủ tục tại chỗ, phát tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Ưu tiên hỗ trợ tại nhà cho người cao tuổi, nhóm người yếu thế như người già, người khuyết tật, người không biết chữ hoặc không dùng công nghệ.

- Về truyền thông: Tăng cường tuyên truyền tới người dân biết các dịch vụ hành chính công bưu điện cung cấp (Sử dụng hệ thống truyền thông: phát thanh xã, loa truyền thanh, pa-nô, mạng xã hội, tờ rơi,…). Phối hợp với chính quyền lồng ghép truyền thông dịch vụ hành chính công qua Bưu điện tại các cuộc họp của thôn bản, xã

- Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng: Mỗi hồ sơ hành chính công thực hiện qua Bưu điện phải có mã hồ sơ theo dõi, thời gian cam kết, số điện thoại hỗ trợ; Thiết lập đầu mối phản ánh, đánh giá của người dân: hộp thư góp ý, đường dây nóng, mã QR đánh giá ngay tại điểm phục vụ; Chính quyền địa phương, sở ngành phối hợp kiểm tra định kỳ chất lượng thực hiện dịch vụ hành chính công qua bưu điện.

Việc khai thác mạng lưới Bưu điện trong cung cấp dịch vụ hành chính công là một giải pháp  hiệu quả trong bối cảnh tinh gọn bộ máy nhà nước, mang lại lợi ích cho xã hội . Đây không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là nền tảng vững chắc để tiến tới một nền hành chính hiện đại, số hóa, phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và Bưu điện Việt Nam sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm

Chi bộ Ban ĐHKD Dịch vụ Hành chính công