Về Gáo Giồng “xem” phát triển BHXH tự nguyện

Có mặt tại hội trường UBND xã Gáo Giồng có Bí thư kiêm Chủ tịch xã Lê Chí Trung, Giám đốc BHXH huyện Cao Lãnh Đoàn Văn Đông, Giám đốc Bưu điện huyện Lê Như Phú cùng với các đại lý thu là cán bộ xã và 6 trưởng ấp. Mở đầu cuộc họp, ông Lê Chí Trung tỏ rõ sự quyết tâm của xã: “Năm 2020, xã nhận được chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện 83 người. Dù chỉ tiêu khá cao so với khả năng, nhưng chúng ta đã phát triển được 91 người, hoàn thành vượt kế hoạch. Vì vậy, không có lý do gì đợt ra quân lần này chúng ta không đạt chỉ tiêu. Tôi tin với sự nhiệt huyết, chính sách BHXH tự nguyện mang đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước sẽ sớm hiện diện trong từng hộ gia đình ở xã Gáo Giồng”.
Cuộc họp bàn kế hoạch tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại xã Gáo Giồng
Tiếp lời, Giám đốc BHXH huyện Cao Lãnh Đoàn Văn Đông cho biết: “Ở huyện Cao Lãnh, nói về lợi thế thì gần như chúng ta không có gì ngoài sự nhiệt huyết của những người làm công tác tuyên truyền. Rất may, yếu tố này đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong việc đem chính sách đến với người dân. Năm 2020, huyện Cao Lãnh nói chung và xã Gáo Giồng nói riêng đã phát huy rất tốt vai trò của người làm công tác tuyên truyền. Bằng chứng là, đến đầu tháng 4/2021, huyện đã có 2.870 tham gia BHXH tự nguyện/chỉ tiêu 3.335 người, đạt 86,05% kế hoạch”.
Cuộc họp sôi nổi hơn, khi chị Lê Thị Như Trúc- cán bộ truyền thanh xã Gáo Giồng, người hăng say nhất với phong trào tuyên truyền về BHXH tự nguyện của xã Gáo Giồng chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào phương pháp tuyên truyền nhóm. Dù hơi cực một xíu, nhưng cán bộ tuyên truyền cố gắng đến từng hộ gia đình tiềm năng, bởi khi xác định được hộ tiềm năng thì rất dễ vận động họ tham gia”. Theo lời chị Trúc, với cách làm này, trong năm 2020, chị đã vận động được rất nhiều cặp vợ chồng tham gia BHXH tự nguyện.
Gợi ý thêm cách làm, ông Lê Như Phú- Giám đốc Bưu điện huyện cho biết, mô hình tuyên truyền ở Cao Lãnh nói chung và xã Gáo Giồng nói riêng thường chia thành tổ tuyên truyền, mỗi tổ gồm có 3 người (đại diện cơ quan BHXH, Bưu điện và một đại lý thu- thường là trưởng ấp). “Trước khi ra quân thường tổ chức họp bàn, xác định đối tượng cụ thể, sau đó tùy tình hình để áp dụng tuyên truyền nhóm hay theo hộ gia đình. Đợt ra quân lần này, xã Gáo giồng có 6 tổ. Chúng tôi đang hạ quyết tâm ít nhất mỗi tổ vận động được 10 người tham gia”- ông Phú nói.
Trong khi đó, Trưởng ấp 5 (xã Gáo Giồng) chia sẻ thêm: “Những người làm công tác tuyên truyền chỉ cần nắm vững chính sách, cộng với một xíu nhiệt huyết là thành công. “Có những gia đình rất muốn tham gia, nhưng vì chưa hiểu rõ, nên khi chúng tôi đến thì họ rất phấn khởi tham gia ngay”- vị Trưởng ấp 5 cho biết.
Không ngoài dự đoán của chúng tôi, chỉ sau một ngày tuyên truyền, kết quả phát triển BHXH tự nguyện tại xã Gáo Giồng đã thành công ngoài mong đợi, với 71 người tham gia- trong khi chỉ tiêu đề ra là 60 người. Qua cuộc họp dù chỉ quy mô cấp xã, nhưng chúng tôi nhận thấy rõ “ở đâu có nhiệt huyết, ở đó BHXH tự nguyện chắc chắn sẽ thành công”.