Ngành TT&TT sáng tạo, góp sức đồng hành cùng đất nước vượt đại dịch Covid-19


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành TT&TT đã góp nhiều công sức trong phòng chống dịch bệnh

Ngành TT&TT đã góp nhiều công sức trong phòng chống dịch bệnh

Tại Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt "Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" chiều 07/9/2021, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Đây là hội nghị được tổ chức kịp thời nhằm khơi gợi truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực vượt khó khăn của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành TT&TT để góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19".

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nước ta có tốc độ lây lan rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam với số lượng người nhiễm rất cao, gây tổn hại lớn về tính mạng, đời sống và sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và xã hội. TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và một số địa phương đã phải thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.

Bộ trưởng khẳng định trong khó khăn đó, ngành TT&TT đã góp nhiều công sức trong phòng chống dịch bệnh. Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường, thành lập tiểu ban truyền thông thuộc Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch; tổ chức bộ phận truyền thông tiền phương tại TP. HCM. Các DN viễn thông đã có chính sách hỗ trợ cước viễn thông cho người dân lên tới 10.000 tỷ đồng. Các DN công nghệ số đã chung tay xây dựng Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia. Một đồng chí Thứ trưởng chỉ huy tại phía Nam ngay từ đầu dịch. Ngành TT&TT cũng đã hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp 500.000 gói quà an sinh cho hàng trăm nghìn người vô gia cư tại TP. HCM, hỗ trợ hàng triệu tờ báo cho bà con TP. HCM trong những ngày giãn cách tăng cường.

Theo Bộ trưởng, nhiều việc chúng ta có thể làm hơn nữa cho nhân dân mình và cho đất nước mình. Những lúc nguy cấp như thế này là lúc thử thách hệ thống quản trị và năng lực quản trị của chúng ta. Qua thử thách này mà phát hiện các bất cập của hệ thống, của năng lực quản trị để từ đó mà trưởng thành hơn, để sau dịch cả hệ thống quản trị và năng lực quản trị được hoàn thiện, nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước giao cho Ngành ta.

"Những lúc khó khăn thì lại rất cần đến thi đua. Vì khó hơn thì mới cần đến thi đua, thi đua là để làm tốt hơn. Đơn vị bạn làm tốt ta sẽ làm tốt hơn. Đơn vị bạn nhìn ta làm tốt hơn thì sẽ thi đua làm tốt hơn. Đó là vòng quay không ngừng nghỉ của thi đua", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Hội nghị được phát động trực tuyến

Phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là quan trọng, thường xuyên

Nhằm tiếp tục khơi dậy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT; với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và góp phần làm cho phong trào thi đua được triển khai rộng khắp, đạt hiệu quả cao, Bộ TT&TT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19"

Phong trào Tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch C-19 với phương châm "phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là quan trọng, thường xuyên", thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép": vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì và thúc đẩy các hoạt động công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Trong đó tập trung thi đua thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ TT&TT về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đồng thời triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống đại dịch để kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19.


Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tham dự hội nghị tại điểm cầu của Tổng công ty

Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp ổn định, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực trong toàn Ngành phục vụ công tác phòng, chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thi đua đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, đặc biệt là các gia đình người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho người lao động, nhất là ở vùng có dịch vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, thi đua giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để đưa thông tin giả, sai sự thật nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; gây rối, chống phá nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước.

Thi đua thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ và các cơ quan, đơn vị; triển khai hiệu quả, an toàn Chiến lược vắc-xin phòng Covid-19 theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Và cuối cùng là thi đua đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai.