Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 08/06/2012

VNPT bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc VietnamPost
Ngày 7/6/2012, tại Hà Nội, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Hội đồng thành viên điều động và bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost).
Theo đó, ông Nguyễn Hải Thanh, Giám đốc Bưu điện Sóc Trăng được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc VietnamPost.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận đã trao Quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ cho ông Nguyễn Hải Thanh.
Thương mại điện tử: Lối ra cho DN bưu chính?
Website này sẽ sớm được đưa vào khai thác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng
Tuy chưa có được những kết quả ấn tượng từ việc tham gia kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) song lãnh đạo một số DN bưu chính trong nước đều nhận định TMĐT sẽ là “cứu cánh” để các DN tăng doanh thu, lợi nhuận.
Sản lượng thư, tài liệu giảm sút
Trên thế giới, tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, CNTT đối với hoạt động SX-KD của các DN bưu chính đã bộc lộ rõ khi sản lượng thư truyền thống của bưu chính nhiều nước đã sụt giảm mạnh. Còn tại Việt Nam, theo một số DN bưu chính tình trạng tương tự cũng đã và đang diễn ra. Trao đổi với BĐVN, ông Nguyễn Đức Thế - TGĐ Công ty cổ phần TM&DV chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhận định, thị trường chuyển phát thư, tài liệu trong nước đang bão hòa. Riêng Netco, trong 3 năm trở lại đây, sản lượng từ mảng kinh doanh dịch vụ thư từ, tài liệu đã giảm đáng kể. Có những khách hàng DN của Netco, trước đây thường in ấn phẩm tại trụ sở ở Hà Nội và chuyển phát tới các chi nhánh trong cả nước nhưng hiện nay để giảm chi phí họ chọn cách rải ra in ở nhiều điểm khác như Đà Nẵng, TP.HCM… Thậm chí, với việc ứng dụng CNTT, nhiều tài liệu, ấn phẩm của khách hàng được số hóa, trao đổi qua Internet thay vì dùng cách thức trao đổi qua đường bưu chính.
Còn với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost), theo đại diện phòng Chiến lược, sản lượng dịch vụ thư, tài liệu của DN vẫn tăng trưởng, từ khoảng 700.000 thư mỗi tháng (năm 2011) lên 800.000 thư/tháng. Thế nhưng, thư từ, ấn phẩm chuyển qua mạng ViettelPost chủ yếu là chứng từ, hóa đơn hay giấy tờ bắt buộc phải có dấu, chữ ký xác nhận. “Vài năm tới, khi chữ ký số được các DN sử dụng phổ biến hơn, đương nhiên sản lượng thư, tài liệu của DN bưu chính sẽ giảm mạnh”, vị này nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) khẳng định, sự “vào cuộc” mạnh mẽ của viễn thông - CNTT khiến dịch vụ chuyển phát tài liệu, ấn phẩm của các DN bưu chính suy giảm; buộc các DN phải chuyển đổi phương thức trao đổi thông tin, thay thế dịch vụ. Thống kê cho thấy, từ 2008 - 2010, tổng doanh thu của các DN bưu chính liên tục tăng trưởng với mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, phần doanh thu từ dịch vụ bưu chính cũng tăng từ khoảng 2.300 tỷ đồng năm 2008 lên 3.100 tỷ đồng năm 2009 và đạt trên 4.000 tỷ đồng vào năm 2010. Tuy nhiên, tỷ trọng của dịch vụ bưu chính nằm trong tổng doanh thu của các DN bưu chính chỉ chiếm gần 44%.
TMĐT: Cơ hội cho các nhà khai thác bưu chính
Các DN bưu chính trong nước đã nhận thức được thách thức của sự chuyển đổi phương thức trao đổi, tiếp nhận thông tin, sự thay thế dịch vụ do viễn thông - CNTT ngày càng phát triển, thư điện tử, ĐTDĐ, mạng xã hội ngày càng thông dụng. Đa số các DN bưu chính đã triển khai kinh doanh đa dịch vụ, “rổ” hàng hóa, dịch vụ của DN bưu chính thường xuyên gia tăng. Đơn cử như, với VietnamPost, bên cạnh dịch vụ bưu chính truyền thống, đơn vị này đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính bưu chính, viễn thông - CNTT như: chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện, thu hộ chi hộ, bán SIM-thẻ điện thoại, Internet… Tháng 5/2012, DN này đã tập huấn, chuẩn bị cho việc cung cấp thêm các dịch vụ mới như: điện hoa quà tặng, phân phối điện tử, dịch vụ chi hộ, chuyển tiền online, chuyển nộp học phí...
Tương tự, từ chỗ chủ yếu kinh doanh dịch vụ phát hành báo và chuyển phát nhanh, ViettelPost đang triển khai nhiều dịch vụ như: văn phòng phẩm, đại lý bảo hiểm, phân phối vé máy bay, kiều hối, vận tải... Theo phòng Chiến lược của ViettelPost, việc triển khai thêm nhiều dịch vụ gia tăng trên nền dịch vụ lõi của ViettelPost cũng nhằm thử nghiệm, tìm ra các dịch vụ có khả năng giúp Bưu chính Viettel phát triển “cân bằng”, phần nào bù đắp cho xu hướng giảm sút doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính truyền thống.
Theo nhận định của các DN bưu chính trong nước, việc thị trường TMĐT của Việt Nam ngày càng phát triển, người tiêu dùng dần hình thành thói quen đặt mua hàng qua điện thoại, Internet đang mở ra cơ hội cho bưu chính phát triển. Hướng đi giàu tiềm năng này đang được các DN tìm cách thức tham gia mạnh hơn. Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) hỗ trợ cho các website bán hàng online trong khâu vận chuyển, thanh toán, một số DN bưu chính đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với lĩnh vực kinh doanh TMĐT. Trong năm nay, 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ViettelPost là phát triển TMĐT, tăng cường hợp tác với các sàn TMĐT lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách mua-bán hàng qua mạng, nghiên cứu xây dựng chợ TMĐT để các DN tham gia giao dịch. Với mảng kinh doanh này, cùng với việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, dịch vụ COD cho khoảng 40 DN bán lẻ, website bán hàng trực tuyến, ViettelPost đang nghiên cứu để phát triển các ứng dụng, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh TMĐT, ví dụ như nghiên cứu để tích hợp SMS banking vào thiết bị cầm tay trang bị cho bưu tá để họ có thể gạch báo phát chuyển hàng, thu tiền hộ khách nhanh chóng, hỗ trợ các website bán hàng online quay vòng vốn nhanh. Đặc biệt, đơn vị này còn phối hợp với một số đối tác như Chodientu.vn, FPT nghiên cứu phương án thiết lập cổng tiếp giao nhận vận chuyển hàng hóa cho các DN, khách hàng tham gia TMĐT.
Đối với VietnamPost, ngoài việc một số Bưu điện địa phương như TP.HCM, Đắc Lắk, Tiền Giang, Quảng Nam… mở website bán sản phẩm, dịch vụ online, từ cuối năm 2010 đầu năm 2011, DN này đã quy hoạch, cải tiến các dịch vụ trở thành một mắt xích trong hoạt động TMĐT như: hoàn thiện, làm mới các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, COD thành dịch vụ phát hàng thu tiền hoàn chỉnh thay vì là dịch vụ cộng thêm của dịch vụ bưu kiện, bưu phẩm; đầu tư thêm kho bãi, phương tiện vận chuyển chuyên biệt để tham gia kinh doanh dịch vụ giao nhận, logistics; đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ TMĐT...
Bên cạnh đó, VietnamPost đã phối hợp với đối tác phát triển hệ thống TMĐT trên nền website phục vụ quản lý khai thác dịch vụ điện hoa quà tặng tại địa chỉ: dienhoabuuchinh.vn.
Theo báo Bưu điện Việt Nam
2015: Nhân lực ngành Bưu chính còn khoảng 40.300 người
Theo Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TT&TT giai đoạn 2011-2020, dự báo đến 2015 nhu cầu nhân lực bưu chính khoảng 40.300 người, trình độ ĐH và CĐ chiếm 16%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân là 84%.
Năm 2020, dự kiến nhu cầu nhân lực ngành bưu chính là 42.300 người (18% nhân lực đạt trình độ ĐH, CĐ và 82% có trình độ trung học, sơ cấp, công nhân). Quy hoạch này đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký quyết định 896/QĐ-BTTTT phê duyệt vào cuối tháng 5/2012.
Một trong những mục tiêu của Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TT&TT 2011-2020 là phát triển nguồn nhân lực ngành đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đưa bưu chính trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập, hiệu quả.
Quy hoạch cũng chỉ rõ những nhóm giải pháp cần tập trung triển khai gồm: Đổi mới cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực; Đổi mới chương trình, nội dung, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý; Tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực. Đáng chú ý là, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TT&TT đã xác định sẽ đảm bảo có chương trình đào tạo chuyên ngành bưu chính ở cấp ĐH. Bên cạnh đó, sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư thành lập cơ sở đào tạo nhân lực bưu chính, viễn thông và CNTT; tạo điều kiện để các trường ĐH quốc tế mở cơ sở đào tạo bưu chính, viễn thông, CNTT ở Việt Nam với ưu đãi tương đương với DN sản xuất phần mềm.
Theo Viện Chiến lược TT&TT thuộc Bộ TT&TT, tổng số lao động ngành bưu chính năm 2010 là gần 49.000 người, trong đó VietnamPost có số lượng lao động lớn hơn cả (khoảng 42.000 người). Nhược điểm lớn của nhân lực bưu chính hiện nay là rất thiếu nhân lực cấp cao, chưa có chuyên ngành độc lập.
VietNamPost và AVG hợp đồng đại lý mới
VietnamPost và Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) vừa ký kết Hợp đồng đại lý mới nhằm tạo động lực cho các đơn vị trong mạng lưới VietnamPost thúc đẩy kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG, đồng thời cung cấp cho khách hàng dịch vụ truyền hình trả tiền chất lượng tốt nhất. So với hợp đồng cũ, nội dung của hợp đồng đại lý mới quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các mức phí, hoa hồng và cơ chế bán hàng đối với Tổng Công ty, các đại lý, nhân viên bán hàng; cùng những chỉ tiêu chất lượng dịch vụ mà AVG và VietnamPost đáp ứng cho khách hàng. Kể từ ngày 1/5.2012, dịch vụ truyền hình của AVG đã được cung cấp tới 63 tỉnh, TP qua mạng lưới hơn 10.000 bưu cục, điểm phục vụ của VietnamPost. Từ nay đến hết tháng 5/2013, AVG và VietnamPost dự kiến phát triển trên 700.000 thuê bao.
Giảm lãi suất cho vay thêm nhiều lĩnh vực khác
Từ ngày 7-6-2012, mức lãi suất huy động cao nhất tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm xuống còn 10,5%/năm, áp duy nhất tại một kỳ hạn là 1 tháng. Mức 10%/năm chỉ được áp ở hai kỳ hạn 2 và 3 tháng; các kỳ hạn 6 - 24 tháng chỉ còn 9,5%/năm; các kỳ hạn 36, 48 và 60 tháng chỉ còn 8%/năm. Trước đó, Vietcombank áp đồng loạt mức lãi suất 11%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng; các kỳ hạn dài hơn là 10%/năm.
Như vậy, trong tuần qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 17/2012/TT-NHNN ngày 25-5-2012 điều chỉnh giảm 1%/năm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 1-2,5%/năm; trong đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài (trên 12 tháng) giảm mạnh hơn so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng.
Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện ở mức từ 2,4 đến 3%/năm, ổn định so với trước khi điều chỉnh giảm lãi suất; lãi suất tiền gửi dưới 01 tháng phổ biến từ 2,8 đến 3%/năm; lãi suất tiền gửi trên 01 tháng đến 12 tháng ở mức từ 10,5 đến 11%/năm, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng ở mức từ 9 đến 11%/năm, trong đó lãi suất của một số ngân hàng thương mại như Công Thương, Đại Dương, Đông Á… ở mức thấp hơn là từ 8 đến 8,5%/năm đối với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Cùng với việc giảm trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được điều chỉnh giảm xuống 14%/năm.
Theo đó, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh các mức lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên xuống bằng hoặc thấp hơn trần lãi suất cho vay là 12-14%/năm. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng cũng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường dành cho các khách hàng đủ điều kiện vay vốn, có định hạng tín nhiệm cao xuống mức từ 12 đến 13%/năm.
Ngân hàng Á Châu giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản với lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai gói tín dụng ưu đãi 500 tỉ đồng dành cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa và có quan hệ tín dụng lần đầu tiên với Ngân hàng với mức lãi suất cho vay thấp nhất là 13,5%/năm, cho vay tiêu dùng thấp nhất là 14%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngân hàng này áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất là 12%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn là 12,5%/năm. Ngân hàng Quốc tế triển khai gói tín dụng đối với khách hàng có nhu cầu vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà với quy mô 1.000 tỉ đồng với lãi suất thấp nhất là 14,2%.
Do vậy, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ đang phổ biến ở mức từ 12 đến 14%/năm, cho vay đối với sản xuất kinh doanh khác từ 14 đến 17,5%/năm, cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 16,5 đến 20%/năm.
Cũng trong tuần qua, các tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng từ khách hàng. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt, hoạt động mua bán diễn ra thông suốt. Trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống tiếp tục đạt mức dương trong cả tuần. Tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại phổ biến quanh khoảng 20.850/20.890 đ/USD.
Theo Tạp chí Cộng Sản
LienVietPostBank nhận Bằng khen vì đóng góp xuất sắc cho công tác Khuyến học, khuyến tài TP. Hà Nội
Hà Nội, ngày 01/6/2012 - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cùng Công ty Cổ phần Him Lam, cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng, đã vinh dự nhận bằng khen vì đã có thành tích đóng góp xuất sắc cho công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT) của TP. Hà Nội.
Ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank nhận bằng khen do Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Hà Nội trao.
Bằng khen dành cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam được Thành Ủy Hà Nội trao tặng trọng thể trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động KHKT và xây dựng xã hội học tập.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị biểu dương các tổ chức và doanh nghiệp đã đóng góp cho hoạt động KHKT.
Trong 05 năm qua, 29 quận huyện của TP. Hà Nội đã thực hiện xã hội hóa các hoạt động KHKT và huy động tổng cộng 60 tỷ đồng từ các khoản đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho công tác khuyến học khuyến tài. Trong đó, riêng Quỹ Khuyến học Khuyến tài Chu Văn An tại huyện Thanh Trì do LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam đồng sáng lập đã có tổng nguồn trên 6 tỷ đồng.
Góp phần thực hiện chính sách nâng cao dân trí để chấn hưng quốc khí, từ năm 2010 đến nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã khởi xướng thành lập và tham gia tài trợ 6 quỹ khuyến học, khuyến tài (KHKT)cấp tỉnh thành.
Năm 2010, Ngân hàng đã tham gia thành lập Qũy KHKT Phạm Văn Trà tại tỉnh Bắc Ninh . Sang năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (30/9/1996-30/9/2011) LienVietPostBank cùng Công ty Cổ phần Him Lam, Cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng, đã cùng tổ chức ra mắt Quỹ KHKT Đất Tổ tại tỉnh Phú Thọ, Quỹ KHKT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định và Quỹ KHKT Chu Văn An tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Gần đây nhất, vào ngày 5/3/2012, Quỹ KHKT Đinh Bộ Lĩnh do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam và Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đồng sáng lập đã chính thức ra mắt tại tỉnh Ninh Bình. Tiếp đó, ngày 24/5/2012 tại TP. Thanh Hóa đã ra mắt Qũy KHKT Nguyễn Đan Quế do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam và Công ty TNHH Tin học và Thương Mại Hồng Cơ đồng tài trợ.
Các QKHKT do LienVietPostBank tham gia thành lập và tài trợ nhằm mục đích tài trợ, hỗ trợ những học sinh, sinh viên là con em của địa phương nơi Quỹ đăng ký hoạt động đồng thời còn tài trợ và hỗ trợ cả những người đang sinh sống, làm việc tại các địa phương đó thuộc diện học giỏi, học xuất sắc, có tài năng để động viên các em phát huy tài năng của mình trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện bản thân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục, công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước.
Các nguồn huy động của Quỹ KHKT được sử dụng để trao thưởng cho những học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; học sinh, sinh viên hoặc vận động viên đạt các giải quốc gia, quốc tế về lĩnh vực thể thao, nghệ thuật; sinh viên đạt thủ khoa các trường đại học, cao đẳng trong năm; học sinh, sinh viên các trường tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, trung cấp có thành tích học tập xuất sắc, những người có tài năng trong lĩnh vực khoa học.
Các Quỹ KHKT được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở hoạt động dịch vụ, vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ, các khoản đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các hoạt động khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động của các Quỹ.
Đến nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã đóng góp trên 20 tỷ đồng để xây dựng các Quỹ KHKT. Hoạt động tham gia thành lập và tài trợ cho các Quỹ KHKT của LienVietPostBank đã không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên và vận động viên tại các tỉnh thành mục tiêu mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong sứ mệnh nâng cao dân trí.
Theo LienVietPostBank
LienVietPostBank bắt đầu Chương trình Ngân hàng Xanh để trở thành Ngân hàng vì sự phát triển bền vững
Ngày 7/6/2012 - Khai sinh từ vùng đất lúa Hậu Giang, trong hơn 4 năm hoạt động vừa qua Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã giương cao ngọn cờ là Ngân hàng thương mại cổ phần số Một về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với hàng loạt hoạt động có tác động sâu rộng trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội và thể thao.
Để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam chắc chắn phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất, ban lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt quyết định triển khai Chương trình Ngân hàng Xanh để đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành một trong các hoạt động xã hội trọng tâm về lâu dài.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt quyết định xây dựng và phát triển theo định hướng “Ngân hàng Xanh” là phù hợp với xu thế chung của các ngân hàng trên thế giới. Con đường này hướng tới mục đích cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống, bảo vệ tự nhiên thông qua các mục tiêu như giảm thiểu sử dụng các loại khí thải, rác thải gây ô nhiễm. Đây chính là cách Ngân hàng Bưu điện Liên Việt làm kinh tế Xanh để hướng tới hình ảnh Ngân hàng phát triển bền vững.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cam kết trở thành Ngân hàng vì sự phát triển bền vững
Chương trình “Ngân hàng Xanh” của Bưu điện Liên Việt sẽ được triển khai ở đồng thời hai môi trường nội bộ và bên ngoài. Trong môi trường nội bộ, nội dung của Chiến dịch này là Chương trình HÀNH ĐỘNG XANH gồm 3 hoạt động chính:
1. Xây dựng Văn phòng Xanh (Green Office): là hình thức phát động thi đua tiết kiệm điện, văn phòng phẩm, sử dụng điện thoại và tiết giảm trong việc sử dụng các tài sản công cộng như nước, giấy vệ sinh… để tạo ra không gian làm việc cũng chính là không gian sống Xanh-Sạch-Đẹp.
2. Đổi giấy lấy cây Xanh (Green Paper): là phong trào phát động thu gom và tái sử dụng giấy vào các mục đích hướng tới môi trường.
3. Xây dựng Quầy giao dịch Xanh vì nụ cười Khách hàng (Green Smile): Cải thiện hình ảnh thẩm mỹ, ngăn nắp, sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh khu vực Quầy giao dịch, xây dựng hình ảnh nhân viên LienVietPostBank thân thiện, chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng mở rộng các hoạt động Xanh hướng tới công chúng, thông qua việc đầu tư và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và các chương trình Marketing như E-banking, Tiết kiệm Xanh, Tín dụng Xanh và Thứ Hai Xanh … Thông qua các chuỗi hành động trên, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hy vọng có thể cùng Khách hàng và cộng đồng thay đổi hành vi và nhận thức bảo vệ môi trường .
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tin tưởng Chương trình Ngân hàng Xanh sẽ mang lại các tác động xã hội tích cực và các kết quả kinh doanh của Ngân hàng sẽ chứa đựng các giá trị Xanh mà LienVietPostBank gieo mầm.
Theo LienVietPostBank