Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 19/06/2012

Tin trong nước

 

Khuyến mại hè lớn tại khách sạn Bưu điện Vũng Tàu


Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu (158 Hạ Long, Vũng Tàu) đang tung ra gói sản phẩm khuyến mại lớn dành cho cán bộ trong ngành nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập.
 
Để tri ân các quý đồng nghiệp đã đang công tác trong ngành Bưu chính – Viễn thông nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập. Khách sạn Bưu điện Vũng tàu đã tổ chức chương trình phát hành thẻ ưu đãi và gói sản phẩm đặc biệt “Summer Package” cho mùa hè 2012.
 
Theo đó, các khách hàng tham gia gói sản phẩm đặc biệt sẽ được hưởng chiết khấu mức từ 10 - 40% các dịch vụ. Cụ thể, giảm giá 5% giá ăn uống, giảm 40% giá phòng khách sạn, giảm 10-30% dịch vụ cáp treo, xem chương trình Đua chó….

 

 

 Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu - 158 Hạ Long, Vũng Tàu

 Ông Hoàng Tuấn Anh – phó giám đốc khách sạn cho biết, Ban lãnh đạo khách sạn đưa ra gói sản phẩm với giá trị thiết thực này nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên trong tập đoàn VNPT. Đồng thời, nó cũng là sợi dây gắn kết giữa các đơn vị trong ngành. Chỉ trong một thời gian ngắn 29/5-31/5, chương trình đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rất nhiệt tình của lãnh đạo công đoàn và cán bộ công nhân viên với số phiếu đăng ký tham gia lên đến 4.000 phiếu.
 
Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu Dựa nằm bên sườn núi Tao Phùng nhìn bao quát toàn cảnh Vịnh Tầm Dương (Bãi trước), cách bến tàu cánh ngầm chỉ khoảng 200m về phía trung tâm, nằm sát bờ biển trên con đường đẹp nhất Việt Nam.
 
Khách sạn đạt tiêu chuẩn khách sạn quốc tế ba sao với 72 phòng ngủ, Nhà hàng Á - Âu, Trung Tâm Hội Nghị - Hội Thảo, Hồ Bơi, Bar, Sport Club, Massage, Discotheque…
Theo VnMedia



 

 


Tiết kiệm bưu điện: Khai thác thị trường ngách miền Trung

Năm 2011, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) bằng giá trị của Công ty Tiết kiệm Bưu điện (TKBĐ) và đối tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Tuy ra đời muộn nhưng tận dụng được thị trường ngách là đại bàn nông thôn, dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện tại các tỉnh miền Trung đã bước đầu tạo được thị phần, khẳng định vị trí của mình.

Cạnh tranh khốc liệt

 

Theo đại diện Bưu điện TP Đà Nẵng: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 45 ngân hàng thương mại đang hoạt động với 268 chi nhánh và phòng giao dịch. Các ngân hàng khối cổ phần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới để định vị thế và tăng vốn, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng bắt đầu mở chi nhánh…. Tương tự Đà Nẵng, các tỉnh trong khu vực miền Trung, hệ thống ngân hàng cũng phủ mạng lưới dày đặc tại các khu vực thành phố, thị trấn.

Các ngân hàng thương mại chiếm thị phần khá lớn với lượng khách hàng là các doanh nghiệp, các tổ chức và khách hàng cá nhân có nguồn tài chính dồi dào nhưng không mặn mà lắm với đối tượng khách hàng nhỏ, lẻ và đại bàn nông thôn, miền núi.

Trong khi đó, mạng lưới bưu cục của các Bưu điện tỉnh lại có mặt tại hầu hết các địa bàn kể cả miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoạt động liên tục từ 6h sáng đến 8 h tối, kể cả thứ 7 và chủ nhật nên rất thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ. Chính những thuận lợi này đã giúp cho dịch vụ TKBĐ bước đầu có chỗ đứng trong thị trường dịch vụ huy động tiền gửi. Ông Đoàn Thế Sơn, Giám đốc Bưu điện Quảng Bình cho biết: năm 2011, khi dịch vụ TKBĐ của ngân hàng Bưu điện Liên Việt bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Vào thời điểm  này, người dân xôn xao do có thông tin về hình hình tài chính không lành mạnh của một số ngân hàng thương mại cổ phần. Với uy tín và thương hiệu sẵn có của Bưu điện, một số khách hàng đã rút tiền từ các ngân hàng cổ phần thương mại chuyển sang sử dụng dịch vụ TKBĐ của ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Mặt khác, dịch vụ TKBĐ với mức tiền gửi từ 50.000 đồng rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thông. Các Bưu điện tỉnh còn mở rộng đối tượng vận động đến các tiểu thương ở chợ và cán bộ hưu trí.

Khai thác thị trường ngách

 

Một giải pháp đạt hiệu quả cao mà các bưu điện tỉnh đã triển khai là vận động người thân, người quen của CBCNV làm việc tại Bưu điện, rút tiền từ các ngân hàng khác chuyển sang sử dụng dịch vụ TKBĐ. Chính tâm lý có “người nhà” tham gia khai thác dịch vụ nên tạo ra sự an tâm cho người sử dụng dịch vụ.

Bưu điện Đà Nẵng nhắm đến khách hàng là các hộ dân nằm trong diện giải tỏa đền bù trên địa bàn huyện Hòa Vang có nhận tiền đền bù do giải tỏa đất. Bưu điện Đà Nẵng đã giao chỉ tiêu cho cán bộ công nhân viên có quên tại các xã này (Hòa Châu huyện Hòa Vang, Hòa Xuân quận Cẩm Lệ) vận động khách hàng sử dụng dịch vụ Western Union, kiều  hối, … được gửi qua hệ thống bưu điện, nhân viên giao dịch có cơ hội để vận động khách hàng gửi tiền qua dịch vụ TKBĐ.

Tương tự, Bưu điện khu vực Sơn Hiệp (Bưu điện tỉnh Quảng Nam), ông Lê Văn Trung, giám đốc, cho biết: vào những thời điểm thu hoạch nông sản hoặc khai thác rừng thi nhân viên bưu điện lại tổ chức những đợt tiếp thị, vận động người dân sử dụng dịch vụ TKBĐ. Tuy lượng tiền của mỗi khách hàng không lớn, nhưng “tích tiểu thành đại”, với số lượng khách hàng sử dụng nhiều nên số dư nợ về dịch vụ TKBĐ của Bưu điện khu vực Sơn Hiệp luôn đảm bảo ở mức trên 100 tỷ/tháng. Nhiều Bưu điện tỉnh miền Trung có số dự nợ dịch vụ TKBĐ chiếm tỷ lệ cao như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam…

Mặc dù đạt mức kết quả kinh doanh khả quan, tuy vậy theo đánh giá của các Bưu điện tỉnh dịch vụ TKBĐ vẫn còn một số nhược điểm nếu không khắc phục nhanh sẽ khó nâng cao khả năng cạnh tranh so với các ngân hàng. Ông Đoàn Thế Sơn, giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Bình cho rằng: do Bưu điện chỉ làm đại lý cho Ngân hàng Liên Việt nên việc đầu tư trang thiết bị cho các bưu cục còn hạn chế. Các bưu cục tuy có online nhưng chỉ để kết nối dữ liệu, không có phần mềm khai thác riêng nên toàn bộ quy trình đều được thực hiện thủ công; trình độ dân trí của người nông thôn, miền núi còn nhiều hạn chế… ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Thêm vào đó, Bưu điện lại không có các phương tiện như xe chuyên dùng, đảm bảo độ an toàn cũng như lực lượng bảo vệ, an ninh… để phục vụ khách hàng có số tiền gửi lớn tại địa chỉ như các ngân hàng khác. Các hình thức quảng bá dịch vụ cũng chỉ mới dừng lại ở khâu vận động, truyền miệng và tư vấn, giới thiệu tại bưu cục, chưa được truyền thông mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nên chưa tiếp cận đến nhiều người dân.

Theo Bưu điện Việt Nam   



Nhiều điểm bưu điện - văn hóa xã không có doanh thu

  
Thời gian gần đây, hầu hết các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) hoạt động cầm chừng, một số biến thành điểm chơi game, một số điểm ngừng hoạt động. Phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hanh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hậu Giang, về thực trạng này.
 

* Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên ?

- Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hệ thống internet phát triển rộng khắp đến từng hộ gia đình nên người dân ít đến bưu điện để truy cập, đọc sách báo… Bên cạnh đó, điện thoại di động ai cũng có, lại rất tiện ích nên bà con không còn đến bưu điện để gọi, nên dẫn đến các BĐ-VHX mất dần doanh thu.

Ngoài ra, trước đây loại hình tem, thư đi thư lại, bưu phẩm… rất mạnh, nhưng đến nay cũng không hiệu quả, người dân đều chuyển qua sử dụng mail cho tiện. Bên cạnh đó, do thiếu các hoạt động thu hút người dân sử dụng dịch vụ nên một số trang thiết bị ngày một xuống cấp, hư hỏng... Người dân kinh doanh internet nhiều nên cũng là lý do bưu điện vắng khách.
 

* Vậy, Bưu điện tỉnh đã có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông ?

 

 

 

Ông Phan Văn Hanh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hậu Giang. 

 

- Thực tế sau khi chia tách bưu chính và viễn thông, với hiện trạng mạng lưới điểm BĐ-VHX trên địa bàn Hậu Giang như hiện nay thì Bưu điện tỉnh không đủ sức cáng đáng việc nâng cấp để phát triển hệ thống điểm BĐ-VHX, vì doanh thu trung bình mỗi điểm chỉ khoảng vài chục ngàn đồng, thậm chí nhiều điểm cả năm không có doanh thu, trong khi đó Bưu điện tỉnh trả lương nhân viên BĐ-VHX mỗi tháng tối thiểu là 650.000 đồng, chưa kể các chi phí khác để duy trì hoạt động: tiền điện, nước, trang thiết bị, vật tư, ấn phẩm...
 
Hiện tại, Bưu điện tỉnh chỉ cố gắng chịu bù lỗ để duy trì hoạt động. Do mức thù lao thấp nên khó tìm được người có trình độ, tâm huyết về phục vụ. Bưu điện tỉnh đã chủ động tạo điều kiện cho nhân viên điểm BĐ-VHX kiêm thêm nhiệm vụ bưu tá xã để thêm phụ cấp, nhưng tổng thu nhập cũng chỉ khoảng 1.350.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư thêm máy vi tính kết nối mạng internet cho các điểm bưu điện, mở thêm dịch vụ bán sim, card điện thoại, bán bảo hiểm; có chế độ khoán cho các điểm bưu điện… để hỗ trợ thêm thù lao cho nhân viên tại các điểm BĐ-VHX.
 
Tuy nhiên, đó cũng là giải pháp tức thời, để tránh tình trạng tương tự, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu phối hợp với các ngành có liên quan tìm hướng đi mới để không “khai tử” các BĐ-VHX.

Theo báo Hậu Giang




Bưu điện Lâm Đồng: Nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí

 

Quá triệt chủ trương “Tiết giảm chi phí” và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động “Phòng, chống tham nhũng, chống buôn lậu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” năm 2012 của VietnamPost, Bưu điện Lâm Đồng đã chủ động xây dựng Chương trình hành động cụ thể và tổ chức đăng ký triển khai thực hiện đến tất cả các đơn vị trực thuộc, với mục tiêu giảm chênh lệch thu chi từ 30% trở lên, giảm chi phí từ 10% trở lên và tăng trưởng chênh lệch thu chi không bằng lương 150% so với năm 2011.

 

Trong đó, tập trung chú trọng thực hiện các nội dung sau: Đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các định hướng chỉ đạo của Tập đoàn, của VietnamPost về phòng chống tham nhũng, chống buôn lậu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, hoàn thiện bộ máy tổ chức, hệ thống nôi quy, quy chế, hệ thống định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc phòng, chống tham nhũng, chống buôn lậu, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật và các quy định về phòng, chống tham nhũng, chống buôn lậu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Theo Tuần tin VNPT

Tin vắn

 

Bưu điện Hà Nam vừa phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bưu chính Previor tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm “Bình an Phát lộc” với sự tham gia của hơn 100 khách hàng trên địa bàn tỉnh. Kết thúc Hội thảo, đã có 73 khách hàng đăng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ và Bưu điện tỉnh đã trao phần thưởng cho 5 khách hàng may mắn trong chương trình rút thăm trúng thưởng.

 

Bưu điện Phú Yên vừa tổ chức Hội thi “Người bán hàng giỏi năm 2012”. Hội thi có 8 đội đến từ 8 Bưu điện huyện, thị, thành phố trực thuộc Bưu điện tỉnh, tham gian tranh tài ở ba phần: chào hỏi, phản xạ nhanh và tiểu phẩm. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 3 giải Ba cho các đội có thành tích tốt nhất. Hội thi “Người bán hang giỏi năm 2012” là hoạt động thiết thực tạo không khí thi đua lao động sản xuất; đồng thời là dịp để CBCNV nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng bán hàng, đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng.

 

Bưu điện Lâm đồng vừa chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm Bảo hiểm Nhân thọ Bưu chính “Bình an Phát lộc”. Phấn đấu đến hết năm 2012, sản phẩm này sẽ chiếm tỷ trọng 80% trong cơ cấu các sản phẩm của dịch vụ Bảo hiểm Nhân thọ Bưu chính. Theo đó, Bưu điện tỉnh tiếp tục triển khai chính sách dành cho đôi ngũ cộng tác viên với các cơ chế và tỷ lệ hoa hồng phù hợp, đồng thời phát động chương trình ưu đãi đặc biệt giảm giá trị phí bảo hiểm dành riêng cho CBCNV và người thân khi tham gia mua sản phẩm trong thời gian từ 25/5 – 15/6/2012.

Theo Tuần tin VNPT



 

DHL giới thiệu dịch vụ giao hàng tận nhà từ Châu Á tới Châu Âu

 

Deutsche Post DHL đã đưa ra một dịch vụ mới: giao hàng liên lục địa tại nhà từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tới Châu Âu.

 

Dịch vụ mới này được coi là sự mở rộng của dịch vụ DHL Door-To-More hiện đang được cung cấp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo đường không và đường biển, bởi công ty con DHL Global Forwarding. Hiện DHL Global Forwarding đang cung cấp các dịch vụ trong khu vực Hồng Kông, Thượng Hải và Singapore cùng hơn 50 quốc gia trên khắp Châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

 

Dịch vụ mới của DHL được đánh giá là dịch vụ kết hợp khả năng vận chuyển hàng hóa liên lục địa đường không của DHL với mạng lưới phân phối đường bộ thuộc khu vực Châu Âu của công ty.

 

Amadou Diallo, Giám đốc điều hành của Freight DHL, cho biết việc phát triển thêm các dịch vụ Door-To-More của DHL nhằm giảm đáng kể sự phức tạp của chuỗi cung ứng với một hệ thống phân phối "liền mạch". Đồng thời, việc phát triển dịch vụ Door-To-More còn nhằm đáp ứng xu hướng ngày càng tăng của các khách hàng về việc phân phối trực tiếp, chuyển phát sản phẩm trực tiếp cho khách hàng.

 

Dịch vụ bao gồm thủ tục hải quan, thanh toán tại một cơ sở duy nhất và cuối cùng là dịch vụ theo dõi trực tuyến về chuyến hàng.

 

Diallo giải thích: "Một ứng dụng internet sẽ giúp cho khách hàng dễ dàng đặt dịch vụ, chuẩn bị giao hàng, cung cấp các thông tin chuyển phát và tính minh bạch cho lô hàng."

 

Rob Siegers, Trưởng bộ phận công nghệ tại DHL, cho biết: "Ngành công nghiệp công nghệ, với tốc độ cao của sự đổi mới và chu kỳ sản phẩm ngắn, đòi hỏi phải có chi phí hiệu quả và các chuỗi cung ứng linh hoạt. Khái niệm về phân phối trực tiếp từ sản xuất đến khách hàng cuối cùng cải thiện thời gian tiếp cận thị trường với chi phí hàng tồn kho tối thiểu và làm giảm số lượng các điểm giao hàng. "


Theo Tạp chí Bưu chính Viễn thông



FedEx hoàn tất việc mua lại công ty chuyển phát nhanh Opek (Ba Lan)

 

FedEx Corp hiện đã hoàn thành việc mua lại công ty chuyển phát nhanh Ba Lan Opek Sp, theo thông tin mới nhất.

 

Điều này có nghĩa là kể từ nay, công ty có thể chuyển phát thêm khoảng 12,5 triệu chuyến hàng mỗi năm và tăng doanh thu hàng năm khoảng 70 triệu USD. Đồng thời, các khách hàng của Opek sẽ có quyền truy cập trực tiếp vào mạng lưới toàn cầu của FedEx.

 

Opek được thành lập vào năm 1994, điều hành 3 trung tâm chuyển phát tại Lomianki, Lodz và Katowice, cùng với 44 chi nhánh nhỏ trên toàn quốc Ba Lan. Công ty có hơn 1.200 nhân viên và sử dụng hơn 1.300 lái xe đường dài.

 

Nhận xét về động thái mua lại Opek, FedEx cho biết nền kinh tế Ba Lan tương đối mạnh mẽ và đầy triển vọng cho sự tăng trưởng trong thương mại điện tử. Có thể nói, trong tương lai, Ba Lan sẽ là một trong những thị trường trọng điểm mà Fedex cần chú trọng đầu tư.

 

Gerald P Leary, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Châu Phi trực thuộc Fedex, cho biết: "FedEx tham gia vào thị trường Ba Lan lần đầu tiên năm 1989 và chúng tôi đã liên tục mở rộng dịch vụ kể từ thời điểm đó. Việc mua lại Opek là một bước quan trọng để mở rộng sự hiện diện của chúng tôi và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực thú vị này. "

 

Về phần mình, Tổng giám đốc Opek - Marek Opinski cho biết việc FedEx tiếp quản Opek là một cột mốc quan trọng đối với các khách hàng, cũng như cho người lao động và ngành công nghiệp chuyển phát.

 

"Khách hàng của chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ việc truy cập trực tiếp mạng lưới trên toàn thế giới của FedEx và các thành viên trong nhóm của chúng tôi sẽ trở thành một bộ phận của một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới," ông nói. "Với giao dịch này, một kỷ nguyên mới của lịch sử công ty đã bắt đầu."


Theo Tạp chí Bưu chính Viễn thông