Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 20/8/2013

Gần lắm Trường Sa
Hải trình của chúng tôi lần này đến với 9 đảo trong quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bao gồm: Đá Đông, Đá Tây, Song Tử Tây, Nam Yết, Đông A, Cô Lin, Thuyền Chài, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và 2 nhà giàn DKI nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Rất nhiều hoạt động diễn ra trong chuỗi ngày ghé thăm quân và dân các xã đảo của huyện Trường Sa. Chúng tôi đã tham dự Lễ chào cờ bên cột mốc chủ quyền cùng quân dân trên đảo Song Tử Tây và tại thị trấn Trường Sa lớn; Thăm và dâng hương tại chùa Song Tử Tây, chùa Nam Yết và chùa Trường Sa lớn, tại tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Trước khi tôi lên đường, một đồng nghiệp đã từng đặt chân đến khá nhiều nơi trên thế giới nhưng vẫn chưa một lần được đến với Trường Sa, dặn đi dặn lại tôi: "Ra đó, nhất định mang về cho anh một viên sỏi Trường Sa nhé!". Tần ngần giây lát, anh dặn: "Nhưng lấy viên nhỏ thôi, cả nước đang góp đá xây Trường Sa mà!".
Lá thư không người nhận
Trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên quần đảo được tổ chức giữa biển, trời Trường Sa thân yêu, không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh nữ Thượng úy Công an tỉnh Hà Nam dù đã cố gắng trấn tĩnh nhưng chị vẫn không thể ngăn được dòng nước mắt lăn dài trên má. Tiếng nấc nghẹn vỡ òa trong niềm xúc động khôn xiết. Đó chính là nhân vật trong bài báo "Lá thư không người nhận"- chị Trần Thị Thu Hà (đăng trên báo Tuổi trẻ trong loạt bài "Trường Sa-khúc tráng bi 14/3").
Dấu bưu cục cho thấy bưu điện Hà Nam Ninh nhận thư gửi là ngày 22/3/1988. Hòm thư của bưu điện Cam Ranh- Khánh Hòa nhận ngày 28/3/1988 và khi chuyển đến huyện đảo Trường Sa đã là ngày 30/3/1988. Khi đặt bút xuống,Thu Hà không thể nào biết đó là lá thư cuối cùng mình viết cho bố. Lá thư ấy vĩnh viễn không thể đến được tay cha. Giờ đây, lá thư ấy đã cũ màu, nằm trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam.
Năm1988, cô con gái Thu Hà (khi ấy 17 tuổi) viết thư gửi bố là Trung tá Trần Đức Thông- Lữ đoàn phó; Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Dòng đầu tiên của thư ghi: "Phủ Lý, ngày 20/3/1988"- Lá thư đặc biệt này được gửi đi sau 7 ngày Trung tá, anh hùng Trần Đức Thông- người chỉ huy trực tiếp trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988 đã hy sinh anh dũng.
"Bố xa nhớ. Hôm nay là ngày Chủ nhật, con ngồi vào bàn học mà không sao học được vì lúc đó là buổi ca nhạc 7g30-8g, toàn hát những bài hát về Trường Sa. Lúc này con không thể nào học được nữa vì những bài hát đang khơi gợi về hình ảnh Trường Sa, nhất là hình ảnh của bố. Lúc này con nhớ bố vô hạn nên con tranh thủ viết mấy dòng chữ gửi cho bố" - cô con gái Thu Hà viết.
Dấu bưu cục cho thấy Bưu điện Hà Nam Ninh nhận thư gửi là ngày 22/3/1988. Hòm thư của Bưu điện Cam Ranh- Khánh Hòa nhận ngày 28/3/1988 và khi chuyển đến huyện đảo Trường Sa đã là ngày 30/3/1988. Khi đặt bút xuống,Thu Hà không thể nào biết đó là lá thư cuối cùng mình viết cho bố. Lá thư ấy vĩnh viễn không thể đến được tay cha. Giờ đây, lá thư ấy đã cũ màu, nằm trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam.
Nghẹn ngào, chị Hà tâm sự: "Năm đó, bố tôi từ Trường Sa trở về quê ăn Tết cùng gia đình. Một chiều cuối năm, bố đưa tôi về thăm quê ở Thái Bình trên chiếc xe đạp nhỏ. Ông đã đưa tôi đi thắp hương từng phần mộ của tổ tiên. Như định mệnh báo trước, ông đi rồi không trở lại nữa". Mắt chị đỏ hoe, ầng ậng nước khi kể lại những giây phút về người cha kính yêu. "Con đã về đây bố ơi"!
Chị Thu Hà chia sẻ: Lần này đến với Trường Sa- nơi người cha đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng, chị đã viết tiếp một lá thư nữa. Chị kể về đất nước, về quê hương đang đổi mới, về gia đình, về bản thân chị đã sống và làm việc để xứng đáng với anh linh của bố... Chị kể nhiều chuyện cùng bố lắm! Giữa biển trời xanh thẳm bình yên của Tổ quốc, chị hóa bức thư gửi bố.
Trước bàn thờ nhỏ, trầm hương nghi ngút, người phụ nữ nức nở: "Bố Thông ơi! Hôm nay con đã đến được với bố đây, bố ơi!". Không gian như ngưng lại trước giây phút thiêng liêng này.
Phút thư giãn của các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa.
Chia tay Trường Sa trở về với đất liền của Tổ quốc. Chúng tôi nhớ lắm quần đảo thân yêu- nơi trời nước thăm thẳm gặp nhau. Nhớ lắm những cơn mưa bất chợt giữa biển khơi mang chút mát lành, làm dịu bớt cái nắng, nóng của xứ đảo. Nhớ da diết tình quân dân biển đảo mặn mòi như biển cả. Nhớ mãi những rặng phong ba, bàng vuông vươn mình kiêu hãnh trong gió, nắng...
"Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng..."- câu hát ngân nga mãi trong tôi khi nhớ về mảnh đất hình cánh sóng. Làm sao có thể quên khi Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt của mỗi người dân Việt.
Lương Quang Đảng
"Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng..."- câu hát ngân nga mãi trong tôi khi nhớ về mảnh đất hình cánh sóng. Làm sao có thể quên khi Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt của mỗi người dân Việt.
“Cô thợ may nhận giấy báo trúng tuyển”: Bưu điện Bắc Giang xin lỗi
Theo đó, công văn của Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho biết Bưu điện Bắc Giang đã đọc bài “Không thi, cô thợ may bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH” trên báo điện tử Dân trí ngày 16/8/2013. Tiếp theo, ngày 17/8/2013, báo Dân trí đăng thông tin trả lời của Trường Đại học Thành Đô sau khi xác minh trong đó nêu rõ: “Đây là sự việc đáng tiếc xảy ra do sự nhầm lẫn của nhân viên bưu tá xã”.
Về việc này, trước tiên Bưu điện tỉnh Bắc Giang xin được tiếp thu và chân thành cảm ơn báo điện tử Dân trí đã phản ánh đúng về sự nhầm lẫn của bưu tá xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 17/8/2013, sau khi nhận được thông tin trên, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Bưu điện huyện Việt Yên cử cán bộ xuống trực tiếp gặp khách hàng và tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân để xảy ra sự việc nhầm lẫn trên. Qua xác minh được biết tại địa chỉ: thôn Đạo Ngạn I, xã Quang Châu có 3 xóm (xóm Cả, xóm Lẻ và xóm Chùa). Bưu phẩm gửi đến địa chỉ nhận: Nguyễn Thị Liên - thôn Đạo Ngạn 1, không ghi địa chỉ xóm. Mặt khác, thôn Đạo Ngạn 1 có hai người cùng tên: đó là chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1994, hiện đang là sinh viên hệ cao đẳng trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường và chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1977, thợ may, có con là Nguyễn Tài Doanh, năm nay thi đại học. Bưu tá xã đã phát bưu phẩm gửi trên cho chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1977, ở xóm Cả, thôn Đạo Ngạn 1.
Để xảy ra sự nhầm lẫn trên tuy chưa gây hậu quả lớn cho khách hàng, song đã ảnh hưởng đến chất lượng phát đến địa chỉ của Bưu điện tỉnh Bắc Giang. Ngay sau sự việc xảy ra và được báo điện tử Dân trí phản ánh, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã nhận được ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã nghiêm túc thực hiện, đồng thời ra văn bản chấn chỉnh gửi đến các đơn vị trực thuộc trong phạm vị toàn tỉnh. Lãnh đạo Bưu điện huyện Việt Yên đã trực tiếp xin lỗi khách hàng về việc phát bưu gửi của bưu tá xã chưa tốt để phản ánh lên báo và nghiêm khắc kiểm điểm cá nhân liên quan.
Hiện nay, chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1994) đã nhận đủ giấy thông báo, thư mời nhập học của Trường Đại học Thành Đô và Trường Đại học Hòa Bình.
Quảng Bình: Hàng lậu trong xe bưu chính
Ngày 19/8, tin từ Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình cho biết, đơn vị này vừa phát hiện xe tải mang BKS 29C - 14332, lưu thông theo hướng Nam - Bắc do Hoàng Văn Tiến trú tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam điểu khiển ngụy trang thành xe “bưu chính” chở nhiều lại hàng hóa không rõ nguồn gốc trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng của xe "bưu chính"
Tài xế xe tải cho biết, họ chỉ đến địa điểm bưu chính ở thành phố Hồ Chí Minh nhận chở hàng ra Bắc, còn hàng hóa trên như thế nào thì không rõ. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ xe và hàng hóa không rõ nguồn gốc trên để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trả lương hưu qua bưu điện: Sẽ nhân rộng nếu thí điểm hiệu quả
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi hình thức trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) dù chỉ tác động trực tiếp tới một số đối tượng song nhiều người trong số đó là cán bộ hưu trí lớn tuổi vì vậy nếu không tính toán, cân nhắc kỹ sẽ gây những xáo trộn không cần thiết.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, thành phố Hà Nội đang triển khai song song hai hình thức trả lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt và qua tài khoản ATM. Với phương thức chi trả tiền mặt, một cán bộ cấp xã, phường được chính quyền địa phương giới thiệu trở thành người đại diện thay mặt BHXH thành phố chi trả tiền trực tiếp đến cán bộ hưu trí và người được trợ cấp. Hằng tháng, cán bộ hưu trí và người được trợ cấp BHXH đến trụ sở xã, phường nhận lương. Mặt khác, việc chi trả này trực tiếp chịu sự quản lý, đôn đốc của lãnh đạo địa phương nên người nhận rất yên tâm. Lựa chọn cách nhận lương trực tiếp tại phường, ông Đào Văn Long ở phường Định Công (Hoàng Mai) cho biết, gần hai năm nay kể từ khi về hưu ông chưa gặp bất cứ trục trặc nào trong việc nhận lương. Bên cạnh đó, việc chi trả qua tài khoản ATM cũng là sự lựa chọn của nhiều người về hưu. Bà Trần Bích Vân, ở quận Long Biên cho biết, thủ tục rút lương tại ATM đơn giản, nhanh gọn. Ngoài ra, bà cũng đăng ký thêm dịch vụ vấn tin tài khoản qua điện thoại cho tiện theo dõi thông tin tài khoản.
Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội hiện có gần 500 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH thường xuyên, số tiền chi trả trung bình khoảng 1.800 tỷ đồng/tháng. Số người thụ hưởng đông, địa bàn rộng nếu Hà Nội triển khai ngay việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn trong tổ chức thực hiện. Đơn cử, tại quận Hoàn Kiếm, đối tượng nhận lương và trợ cấp hằng tháng khoảng 25 nghìn người, phân bổ trên địa bàn 18 phường. Huyện Phú Xuyên - đơn vị sẽ thí điểm trả lương hưu qua bưu điện có gần 6 nghìn người, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện bưu điện đang tổ chức hệ thống theo hình thức bưu cục, trong khi đó các đối tượng lại nhận lương và trợ cấp BHXH theo đơn vị hành chính xã, thị trấn nên khó tránh khỏi trở ngại khi triển khai. Mặt khác, nếu chuyển qua bưu điện, việc giám sát, quản lý số tiền chi trả cũng cần được tính đến.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, hai phương thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn Hà Nội hiện đang vận hành tốt. Chính vì vậy, để chuẩn bị thực hiện quy định của Chính phủ, trước mắt Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện tại hai huyện Phú Xuyên và Ba Vì. Nếu kết quả thí điểm tốt hơn hình thức trả lương hiện tại thì thành phố sẽ triển khai ra diện rộng. Đồng tình với quan điểm của thành phố, song cũng có ý kiến đề nghị về lâu dài thành phố nên tăng cường chi trả lương qua thẻ ATM để phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị hiện đại, đồng thời góp phần giảm tải nhân lực và chi phí trong quá trình thực hiện.
Hội thao chào mừng Kỉ niệm ngày thành lập ngành Bưu điện

Hội thao đã mang lại cho cán bộ công nhân viên một sân chơi thực sự bổ ích, không chỉ là nơi để rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi giao lưu, học hỏi đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết thúc Hội thao BTC đã trao giải cho các đội thi, cụ thể như sau:
Môn bóng đá mini: Giải nhất: Bưu điện tỉnh; Giải nhì: Viễn thông Đăk Nông; Giải ba: Sở TT&TT; Giải Khuyến khích: CN Mobifone Đắk Nông.
Môn kéo co: Giải nhất: Viễn thông Đăk Nông; Giải nhì: CN Viettel Đăk Nông; Giải ba: Sở Thông tin và Truyền thông; Giải khuyến khích: Bưu điện tỉnh.

- Trên 40 tuổi: Giải nhất: Nguyễn Đăng Huy (Sở TT&TT); Giải nhì: Tô Vĩnh Tường (Sở TT&TT); Giải ba: Mai Văn Hương (Viễn thông Đắk Nông); Giải khuyến khích: Lê Văn Hùng (Bưu điện tỉnh).
- Dưới 40 tuổi: Giải nhất: Lê Văn Khôi (Viễn thông Đăk Nông); Giải nhì: Mai Hoài Nam (Viễn thông Đăk Nông); Giải ba: Nguyễn Tiến Mạnh (CN Viettel Đăk Nông); Giải Khuyến khích: Ngô Thanh Trúc (Bưu điện tỉnh); Giải phong cách: Trần Văn Thảo (CN Viettel Đắk Nông)
Môn sắp chữ Logo: Giải nhất: Bưu điện tỉnh; Giải nhì: Sở TT&TT; Giải ba: Viễn thông Đăk Nông; Giải phong cách: CN Mobifone Đăk Nông
Môn trò chơi bịt mắt đập ấm đất: Giải nhất: CN Mobifone Đắk Nông; Giải nhì: Sở TT&TT; Giải ba: Bưu điện tỉnh; Giải phong cách: Viễn thông Đăk Nông.
LienVietPostBank kết nối thành công với hệ thống Banknetvn
Nhằm mở rộng hệ thống mạng lưới chấp nhận Thẻ, chính thức từ ngày 20/08/2013, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink (Smartlink) đã kết nối thành công với hệ thống POS của Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn).
Theo đó, tất cả các chủ thẻ mang thương hiệu LienVietPostBank đều có thể thanh toán tại 99.000 POS của hơn 40 ngân hàng thành viên thuộc liên minh Thẻ Smartlink và Banknetvn trên toàn quốc. Danh sách các Ngân hàng thành viên của Smartlink và Banknetvn xin xem tại đây .
Bên cạnh chương trình khuyến mãi miễn phí rút tiền tại tất cả các ATM trên toàn quốc, cùng với việc kết nối hệ thống POS của Banknetvn, LienVietPostBank kì vọng sẽ đẩy mạnh doanh số phát hành Thẻ trong thời gian tới bởi những tính năng ưu việt và sự thuận tiện cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Thẻ & Ngân hàng điện tử.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Tổng đài CSKH: 1800 577 758 (Miễn phí) hoặc Chi nhánh/Phòng giao dịch gần nhất của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trên toàn quốc.
Tin từ các doanh nghiệp Bưu chính khác
Làm bưu chính phải như đánh trận giáp lá cà
Từ cuối năm 2011, Tổng công ty đã có chủ trương mở tuyến xuống tới tất cả các huyện (trừ huyện đảo). Tuy nhiên, cho tới bây giờ số tỉnh thành làm được điều này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó chỉ trong vòng 1 năm, Công ty Bưu chính Viettel tp HCM đã hoàn thành việc mở tuyến tới 100% xã, kể cả những nơi khó khăn như huyện đảo Cần Giờ. Vẫn là cách làm quen thuộc: “Cái gì khó thì người lãnh đạo tham gia làm cùng, không phải đứng chỉ đạo”, Anh Cao Đình Ngân – Giám đốc Công ty cho biết. Thay vì giao khoán cho giám đốc bưu cục thì BGĐ phân công luôn cho một phó giám đốc chuyên trách đi làm cùng với nhân viên. Gặp khó khăn ở đâu thì quyết luôn. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, Ban giám đốc Công ty đã không giữ lại 5% chi phí quản lý từ chi phí khoán mà dành lại cho Bưu cục để bưu cục có thể chủ động ra quyết định luôn nếu có chi phí phát sinh. Sau dịp Tết vừa rồi phát sinh một số hàng rất lớn. Khách hàng TV shopping bình thường chỉ có trung bình khoảng 100 đơn hàng, sau Tết họ tồn hàng gấp 10 lần bình thường, thế là từ Giám đốc cho tới nhân viên, tất cả mọi người đi bốc hàng như nhau, tiến độ giao phát vẫn đảm bảo. “Ban giám đốc đã làm cùng thì công việc kiểu gì nó cũng trôi. Cách làm chỉ đơn giản thế thôi”, anh Ngân một lần nữa khẳng định.
Đơn giản ấy thế mà không hề dễ. Bởi lẽ nó cần có sự liên tục và triệt để. Bởi lẽ đặc thù môi trường bưu chính là những công việc thường xuyên lập lại. Bao nhiêu năm trôi qua thì cũng từng ấy công việc, ít có gì mới để tạo cảm hứng cho anh em. Khó khăn nhất là làm thế nào để vui vẻ trong công việc, làm thế nào để có niềm tin vào ngày mai. Chính vì thế mà đòi hỏi người chỉ huy phải triệt để làm cùng, phải sát việc và liên tục đi thực tế để có thể tạo được động lực cho đội ngũ.
Anh Lê Thanh Hải, Giám đốc Bưu cục Quận 3 chia sẻ: “Làm bưu chính không khác gì đánh trận giáp lá cà. Mặc dù quy trình làm việc thì rất nhiều nhưng chỉ huy không sát thực tế thì chẳng ai làm. Mình liên tục bám sát anh em bên dưới thì họ mới bám nhau mà làm”. Thế nên, Công ty đề ra mục tiêu rõ ràng cho việc giao ban ngày, là để “đảm bảo cho hai thứ thôi: đến đúng giờ và để nhìn thấy nhay mà bám việc”, anh Ngân tâm sự.
Và tâm huyết, trăn trở tìm ra cái mới
Bản chất công việc của người làm bưu chính là công việc đơn giản, thu nhập thấp. Trong khi đó thị trường nhân lực ở TP HCM lại rất cạnh tranh vì có quá nhiều công ty tham gia làm. Thậm chí, lao động phổ thông có thể lựa chọn công việc ở quán café cũng được thu nhập ấp mà “mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu”. Thế nên, làm bưu chính ở Thành phố lớn khó khăn hơn các địa bàn khác. Người lầm bưu chính không tâm huyết, sống chết cùng nghề thì sẽ khó mà tồn tại. “Thực tế là Ban Giám đốc Công ty cũng vì quyết tâm với anh em mà mạnh dạn tăng quân số để mở tuyến tới tận xã – nơi phát sinh tới 75% số đơn hàng phát. Doanh thu nhờ đó cũng tăng lên, đời sống anh em khá dần”, Anh Hải cho biết thêm.
Nhưng để thực sự gắn kết và tạo được niềm tin cho đội ngũ thì công việc phải có cái mới. Cùng là chủ trương phát triển thương mại điện tử đưa ra từ Tổng công ty, nhưng nếu không trăn trở tìm tời thì sẽ khó mà phát hiện ra thói quen của khách hàng đã thay đổi. Lúc trước họ mua hàng qua mạng, thanh toán bằng thẻ trả trước. Sau đó xuất hiện nhiều trường hợp nội dung hàng hóa không đúng như chất lượng yêu cầu, khách hàng muốn xem hàng rồi mới trả tiền. Chính vì thế mà mối quan tâm chủ yếu của các công ty thương mại điện tử là kết quả phát và nhận tiền từ khách hàng. Nhờ phát hiện này mà Công ty đã tập trung thành lập một bộ máy riêng, chính sách riêng, giá riêng chuyên về quản lý báo phát.
Cùng với việc ứng dụng CNTT, dữ liệu, kết quả phát, trạng thái phát được cập nhật tự động trên phần mềm và báo lại cho khách hàng. Nhờ đó mà kết quả báo phát và cập nhật trạng thái của người khiếu nại của Công ty chỉ mất 15 phút, nhanh gấp 2 đến 3 lần so với các công ty khác. Chính vì thế mà trong các nhà cung cấp, Viettel được khách hàng đánh giá là tốt nhất về cập nhật trạng thái cho khách hàng: thời điểm nào hàng hóa đang treo ở đâu, thời điểm nào đã tới tay khách hàng.
Trước đó, Công ty cũng phát hiện ra rằng chưa có ai truyền thông một cách bài bản về năng lực của Bưu chính Viettel trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chính vì thể Công ty nghĩ ra việc tổ chức hội thảo chuyên để về năng lực của bưu chính trong lĩnh vực này. Kiểu hội thảo này ở các lĩnh vực khác thì không có gì mới nhưng đối với bưu chính và ở Viettel thì lại lần đầu tiên áp dụng. Công ty đã mời tất cả các doanh nghiệp thương mại điện tử ở địa bàn thành phố đến tham dự, mời cả khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Công ty được 6 tháng tới để chia sẻ về cảm nhận của họ đối với dịch vụ của Bưu chính Viettel. Với cách làm này, Công ty đã truyền thông trực tiếp, đúng vào đối tượng khách hàng, có được những hợp đồng lớn. Cũng từ cách làm thành công ấy, công ty sáng tạo ra các hình thức khác như tổ chức các nhóm đi giới thiệu về năng lực.
“Những cái mới này, mặc dù không lớn nhưng mỗi thứ một chút đã giúp cho công việc của mình, tuy đơn giảm và có phần mệt nhưng lại thấy thú vị. Hàng tháng có thêm khách hàng mới, cũng là niềm vui. Doanh thu bưu cục cũng nhờ thế mà tăng 200%”, anh Hải nói.
Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái giọng hồ hởi của anh Hải: “được sự giao quyền của ban Giám đốc, anh đang xúc tiến làm việc với một số bệnh viện để triển khai dịch vụ nhận vận chuyển kết quả khám chữa bệnh để giao tại nhà cho bệnh nhân em ạ”. Niềm vui của anh cùng làm tôi vui theo. Hóa ra, công việc dù đơn giản đến mấy cũng luôn có niềm vui của nó. Bí quyết chỉ đơn giảm là: làm như đánh trận giáp lá cà, bám việc, bám anh em và trăn trở với nghề.