Bài dự thi Búa Liềm Vàng: Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – Vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Bưu điện Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất của mọi hành động cách mạng. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Tuy nhiên, bất cứ một đảng cầm quyền nào, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nếu không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ đều có thể dẫn đến tham nhũng, quan liêu, suy thoái, biến chất… làm mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Do vậy, để giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để Đảng thực sự là “của dân”, “vì dân”, Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Đây là vấn đề rất quan trọng, then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chúng ta đều rõ, tham nhũng thực sự là một nguy cơ, vấn nạn, nếu không được ngăn chặn, loại bỏ kịp thời sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế, phá vỡ chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân; làm suy thoái đạo đức, lối sống trong hàng ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, gián tiếp tiếp tay cho những thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Thậm chí, nếu để tham nhũng tràn lan thì những cán bộ, đảng viên trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc sẽ không còn động lực để phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một tất yếu, là vấn đề sinh tử, sống còn, cấp bách của bất kỳ một đảng cầm quyền nào nếu không muốn từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình.
Với tinh thần ấy, trong những năm qua, nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng ngừa ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Tổng công ty đã có sự quan tâm triển khai các biện pháp Phòng, chống tham nhũng phù hợp với đặc điểm, tình hình của Tổng công ty, tổ chức phổ biến, tuyên truyền giáo dục và quán triệt thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện phòng, chống tham nhũng; xây dựng, ban hành các văn bản nội bộ và tích cực thực hiện các giải pháp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực… Nhờ có sự quan tâm chú trọng lấy ngăn ngừa làm chính nên trong thời gian qua không để xảy ra các hành vi sai phạm, tham nhũng nghiêm trọng góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo an toàn an ninh mạng lưới thông tin Bưu chính, xây dựng môi trường hoạt động lành mạnh, trong sạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác triển khai phòng, chống tham nhũng tại Tổng công ty và các đơn vị còn gặp một số hạn chế: Do địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty rộng, các đơn vị trú đóng trải dài trên khắp cả nước, do đó, việc chỉ đạo, triển khai công tác Phòng, chống tham nhũng gặp những khó khăn nhất định. Mặt khác, mô hình tổ chức Đảng của Đảng bộ Tổng công ty chưa phải là mô hình toàn ngành nên phần nào khó khăn trong việc lãnh đạo toàn diện đối với các đơn vị trực thuộc. Đa số các chi đảng bộ trực thuộc đều là các đơn vị trực tiếp sản xuất nên chưa triển khai được đồng bộ, phong phú các giải pháp Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại một số đơn vị chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN nên chưa có sự quan tâm, chú trọng triển khai các biện pháp Phòng, chống tham nhũng; công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự được chú trọng; việc tự phát hiện sai phạm, tham nhũng trong đơn vị chưa thực sự hiệu quả. Vẫn xảy ra 1 số vụ việc cán bộ công nhân viên, người lao động do thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi dẫn đến có hành vi sai phạm, chiếm dụng tài sản. Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh tác phong và lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ công chức đồng thời thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp về Phòng, chống tham nhũng góp phần nâng cao vai trò của công tác này về mọi mặt:
Một là, Tổng công ty tiếp tục quán triệt, triển khai kịp thời và đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác Phòng, chống tham nhũng. Tập thể đoàn kết nhất trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác; cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tổng công ty nghiêm túc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh Phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy chế, quy định, quy trình công tác nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trên các lĩnh vực quản lý.
Hai là, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của Tổng công ty và các đơn vị đồng thời triển khai lồng ghép các nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng để đạt được những hiệu quả nhất định. Một số giải pháp phòng ngừa trọng tâm được quan tâm thực hiện tốt như công khai, minh bạch trong các lĩnh vực trọng yếu, nhạy cảm: sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; mua sắm, xây dựng cơ bản; tài chính kế toán; thực hiện và giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động... đảm bảo đúng quy định.
Bốn là, Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Tổng công ty và các đơn vị thông qua các lớp tập huấn do Bộ Thông tin và truyền thông, Tổng công ty tổ chức để nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng, liêm khiết, chí công vô tư. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Tổng công ty. Kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý (nếu có).
Có thể nói, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao về Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng công ty trên toàn mạng lưới đồng thời thực hiện song song triệt để, kiên quyết, đồng bộ nhiều giải pháp thì trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Tổng công ty và các đơn vị sẽ đạt kết quả cuối cùng và đảm bảo tính răn đe trong thực tế.