Gia Lai: tiếp tục chuyển giao cho Bưu điện thực hiện một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính

Đã có 15/17 bộ phận một cửa cấp huyện, 11 đơn vị cấp xã chuyển qua Bưu điện
Từ năm 2020, Tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã cho Bưu điện thực hiện. Việc chuyển giao được thực hiện nguyên tắc đảm bảo công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật và công khai, minh bạch. Đồng thời lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.
Xác định công tác cải cách hành chính là khâu đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay khi đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh để Bưu điện thực hiện được ban hành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã lập tức vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị mình. Đặc biệt, Lãnh đạo các Sở, các huyện đã chỉ đạo các phòng, công chức chuyên môn thuộc quyền quản lý phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên Bưu điện hoàn thành nhiệm vụ. Song song đó, Bưu điện tỉnh Gia Lai đã khẩn trương bố trí hợp lý khu vực làm việc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân sự tại các bưu cục.
Với sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc nhanh chóng của các đơn vị, đến cuối năm 2020 đã có 15/17 bộ phận một cửa cấp huyện, 11 đơn vị cấp xã chuyển qua Bưu điện. Các bộ phận Một cửa khi chuyển địa điểm làm việc sang Bưu điện đều được đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị như máy tính, bàn ghế… nhằm đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ của người dân được thuận tiện, an toàn. Bên cạnh đó, Văn phòng UBND tỉnh cũng đã lập tài khoản, phân quyền hạn chế cho nhân viên Bưu điện để thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên trang quản lý văn bản điều hành của tỉnh.
Thay vì đến bộ phận Một cửa, người dân và doanh nghiệp sẽ tới Bưu điện – nơi đặt bộ phận Một cửa để thực hiện việc tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính theo yêu cầu.
Tại cấp tỉnh, thời gian đầu triển khai thí điểm, nhân viên Bưu điện đã được cán bộ, công chức của các Sở, Ban, ngành hướng dẫn nhiệt tình và đẩy đủ quy định, quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay nhân viên Bưu điện Gia Lai hoàn toàn chủ động thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thay cho cán bộ, công chức tại bộ phận Một cửa trước kia. Những cán bộ này sau chuyển giao đã rút về thực hiện các nhiệm vụ huyên môn tại đơn vị. Hiện nay tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Bưu điện đang bố trí 9 nhân viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho 21 đơn vị cấp Sở.
Đối với bộ phận một cửa cấp huyện, tùy theo tính chất của từng bộ phận Một cửa mà Bưu điện phối hợp với UBND các huyện thực hiện để quyết định thời gian chuyển bộ phận Một cửa về trụ sở của Bưu điện, số lượng nhân viên tham gia tiếp nhận hồ sơ và tạo lập các tài khoản cho nhân viên Bưu điện…. Hiện toàn tỉnh chỉ còn bộ phận Một cửa tại thị xã Ayun Pa và huyện Kbang đang đầu tư và chuẩn bị được chuyển về trụ sở của Bưu điện thị xã và Bưu điện huyện.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh Gia Lai việc tập huấn cho hơn 100 cán bộ, nhân viên Bưu điện tham gia công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả rất bài bản, chuyên nghiệp. “Lãnh đạo Bưu điện tỉnh được đào tạo tại lớp tuận huấn do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Học viện hành chính Quốc gia tổ chức. Lãnh đạo bưu điện huyện, trưởng các phòng chức năng, lực lượng thực thi được các Sở, ngành tại Gia Lai tập huấn. Đặc biệt, tất cả các nhân viên giao dịch trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ngoài tập huấn về nghiệp vụ còn được bồi dưỡng thêm về các kỹ năng, thái độ tiếp xúc với khách hàng, đồng thời tham gia xử lý các tình huống trong công việc…Gần 90% nhân viên Bưu điện tham gia tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả có trình độ Đại học. Qua triển khai thí điểm, tất cả các nhân viên đều nắm vững các kỹ năng, nghiệp vụ và sử dụng thành thạo các phần mềm trong lĩnh vực hành chính công”, Bà Vân chia sẻ.
Nhân viên Bưu điện đã bước đầu đảm bảo thay thế công chức trong việc tiếp nhận hồ sơ
Không chỉ được chú trọng về chuyên môn, nghiệp vụ, tất cả các nhân viên Bưu điện được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa đều là những người chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong công việc; tác phong, thái độ giao tiếp lịch sự, cư xử hòa nhã, cởi mở và thân thiện.
Theo đó, năm đầu tiên thí điểm, toàn tỉnh Gia Lai có 28.357 hồ sơ được tiếp nhận qua Bưu điện và hơn 99.000 kết quả giải quyết thủ tục hành chính được chuyển phát tại nhà cho người dân. Nhân viên Bưu điện đã bước đầu đảm bảo thay thế công chức trong việc tiếp nhận hồ sơ.
Theo đánh giá của Lãnh đạo Văn phòng tỉnh Gia Lai việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công để Bưu điện thực hiện đã giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố không phải đầu tư một khoản kinh phí lớn, ban đầu để xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận Một cửa. Đối với những địa phương đã xây dựng Bộ phận một cửa thì sử dụng vào việc khác. Đặc biệt, các sở, ban, ngành tỉnh có thủ tục hành chính không phải cử cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết tại Bộ phận Một cửa.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao cũng giúp Gia Lai tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, góp phần xây dựng mô hình tiến nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng thân thiện, hiệu quả và phục vụ.
Đối với người dân và các tổ chức cũng được hưởng rất nhiều tiện ích. Tất cả các bộ phận Một cửa đều đặt ở vị trí thuận lợi, dễ tìm; cơ sở vật chất, nơi làm việc khang trang; trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được trang bị hệ thống giám sát bằng camera từ nhiều góc độ. Theo đó tâm lý của người dân khi đi thực hiện TTHC sẽ thoải mái, qua đó sẽ năng cao sự hài lòng khi đến thực hiện TTHC.
Với tinh thần đổi mới, đặt lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp lên hàng đầu, thời gian tới Gia Lai sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mô hình này. Việc mở rộng sẽ được thực hiện trên cơ sở đề án thí điểm và sẽ triển khai thành kế hoạch có lộ trình, nhiệm vụ, thời gian, giải pháp, có đơn vị chủ trì và phối hợp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ một cách tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa của đề án.