Bưu điện Việt Nam chủ động ứng phó với cơn bão số 03 năm 2025

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA) với cường độ mạnh và nguy cơ ảnh hưởng trên diện rộng, Bưu điện Việt Nam đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai phương án phòng chống thiên tai ở mức cao nhất theo phương châm “ba sẵn sàng” – “bốn tại chỗ” .
Hướng đi của bão (WIPHA) tính đến 11h ngày 21/07/2025 (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia)
Bão WIPHA đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 3 năm 2025. Bão có cường độ mạnh, diễn biến nhanh và phức tạp, kết hợp mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Đông Bắc Bộ, một số nơi Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa và vùng ven biển lân cận.
Thực hiện Công điện số 04/CĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ, Bưu điện Việt Nam đã khẩn trưởng yêu cầu các Bưu điện tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa,Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn,Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình; Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện; Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện, Công ty Phát hành báo chí Trung ương, Công ty Logistics Bưu điện, Công ty Dịch vụ số Bưu điện nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ điều hành, ứng phó với bão.
Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn tổ chức sản xuất mạng lưới, hạn chế các ảnh hưởng, thiệt hại do bão, các đơn vị trong vùng ảnh hưởng đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó theo phương châm “ba sẵn sàng” - “bốn tại chỗ”. Cụ thể, các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp như: đảm bảo an toàn cho mạng lưới chấp nhận, khai thác, chuyển phát; lên kịch bản tạm dừng phục vụ hoặc điều chỉnh tuyến phát tại các địa phương có mưa bão lớn, nguy cơ ngập lụt, sạt lở; gia cố trụ sở, biển hiệu, kê kích, di dời hàng hóa, thiết bị, tài liệu đến nơi an toàn; tạm thời đóng cửa các bưu cục nằm trong vùng tâm bão, bố trí trực phát KT1, hoả tốc theo yêu cầu.
Cùng với đó, các đơn vị vận chuyển như Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện, Tổng công ty EMS được giao nhiệm vụ bảo đảm lưu thông hàng hóa tuyến cấp 1, bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng tại các hub khai thác, sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố. Các đội xung kích phòng chống thiên tai tại các đơn vị được kích hoạt, trực 24/24, theo dõi sát diễn biến bão và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để ứng phó kịp thời.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt và linh hoạt, toàn hệ thống Bưu điện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, tài sản và duy trì thông suốt hoạt động phục vụ nhân dân trong bối cảnh thiên tai.