CPI tháng 7 giảm 0,29%

(Ảnh sưu tầm)
Giá gas tiếp tục được điều chỉnh giảm theo giá gas thế giới với mức giảm 8,39%. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm do nguồn cung khá dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng này tiếp tục giảm.
TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét, một trong những nguyên nhân khiến CPI giảm 2 tháng liên tiếp là do nhu cầu trong nước giảm, sức mua yếu cùng với tín dụng tăng thấp (6 tháng chỉ tăng khoảng 0,76%).
Trước đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã công bố CPI tháng 7 với mức giảm lần lượt là 0,29% và 0,57%.
Nhiều yếu tố kéo giảm lạm phát
Nếu so với tháng 12/2011 thì CPI của 7 tháng năm nay tăng 2,22%, thấp nhất so với tốc độ tăng của 7 tháng cùng kỳ trong 8 năm trước đó (bình quân tăng 8,31%, trong đó cùng kỳ năm 2008 cao nhất là 19,77%, cùng kỳ 2011 cao thứ hai là 14,61%).
Dưới góc độ CPI tính theo năm, thì CPI tháng 7/2012 thấp chỉ bằng 1/4 so với đỉnh điểm vào tháng 8/2011 và giảm liên tục từ đó đến nay (tháng 8/2011 tăng 23,02%, tháng 9 tăng 22,4%, tháng 10 tăng 21,11%, tháng 11 tăng 19,83%, tháng 12 tăng 18,13%, tháng 1/2012 tăng 17,19%, tháng 2 tăng 16,44%, tháng 3 tăng 14,15%, tháng 4 tăng 10,54%, tháng 5 tăng 8,34%, tháng 6 tăng 6,9%, tháng 7 tăng 5,35%).
Như vậy, dù được nhận diện dưới góc độ nào, thì vấn đề nóng nhất là lạm phát đã được kiềm chế, chỉ tiêu của cả năm đã được thực hiện từ khá sớm và ở mức thấp hơn nhiều so với mức 7-8% theo định hướng mới đây. Kết quả trên đạt được có nguyên nhân do việc kiềm chế lạm phát đã sớm được xác định là mục tiêu ưu tiên, với nhiều giải pháp được đề ra và thực hiện quyết liệt.
Nguyên nhân lạm phát giảm có thể kể đến trước hết là yếu tố trực tiếp gây ra lạm phát cao là tài khoá - tiền tệ đã được thắt khá chặt để chặn đứng lạm phát. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm tính theo giá thực tế thì tăng 10,1%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm, trong đó nguồn vốn khu vực nhà nước và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn giảm sâu hơn. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (34,5% so với 38,3%)...
Giá lương thực, thực phẩm giảm liên tục trong một thời gian dài hiếm thấy (7 tháng), với tốc độ giảm tới 6,1%. Nguyên nhân chủ yếu do được mùa. Giá thực phẩm cũng đã giảm 5 tháng liên tục. Hơn nữa, theo dự báo, giá lương thực, thực phẩm chưa có dấu hiệu tăng lên, thậm chí có thể còn đang trong xu hướng giảm xuống.
Việc CPI tăng chậm lại và giảm liền trong 2 tháng vừa là tin vui của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, có thu nhập bằng tiền cố định, nhưng cũng làm cho người sản xuất kinh doanh đang bị lỗ, đang bị tồn kho cao, nếu nay giá giảm thì càng lỗ hơn. Ở góc độ khác, CPI tăng chậm lại nhanh và giảm vừa là kết quả tích cực của các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhưng cũng có một phần do “liều lượng” của giải pháp có thể là quá thắt chặt, thời gian để quá dài. Bên cạnh đó là có một phần do tăng trưởng đầu tư, sản xuất, tiêu dùng bị suy giảm, đến lượt nó dễ dẫn đến sự trì trệ sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là vấn đề cần lưu ý để có hướng khắc phục.