Là nhấn mạnh của Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh với các cơ quan, sở, ban ngành mới đây…
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các sở, ban, ngành, các địa phương phải rà soát, tìm kiếm những điểm còn khó khăn, tập trung gỡ nghẽn để khơi thông các chỉ số CCHC; đồng thời chấn chỉnh lề lối, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức nhằm “trị” dứt điểm bệnh “sợ trách nhiệm”, “cầm chừng”; tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu nghị quyết đề ra…
Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai Dương Thị Việt Hương (người đứng) cùng nhân viên
hướng dẫn các thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Ảnh: Nguyệt Hà
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2024, các sở ngành và các địa phương trong tỉnh đã tham mưu thực hiện nhiều nhiệm vụ về CCHC. UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các nội dung kết luận tại cuộc họp giao ban CCHC quý 2; tập trung chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế của các địa phương, cơ quan, đơn vị như, rà soát, điều chỉnh chức năng bổ sung hồ sơ, tạm dừng xử lý trên phần mềm Một cửa; kiểm tra trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp…
Tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 36-CT/TU ngày 6-8-2024 về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần cải thiện các chỉ số PAR INDEX (chỉ số về công cụ quan trọng theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC), SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân), PAPI (hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công), PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tỉnh Đồng Nai năm 2024 và những năm tiếp theo (Chỉ thị 36).
Ban hành và tổ chức ký cam kết thực hiện kế hoạch 336/KH-UBND ngày 15-10-2024 về triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kế hoạch 336); phân công rõ trách nhiệm thực hiện của từng đơn vị, địa phương theo ngành, lĩnh vực cụ thể. Tham mưu cho tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh công bố nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hoàn thành đúng thời gian quy định…
Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh còn tham mưu thông qua Phương án đơn giản hóa và triển khai rà soát, thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trpng hệ thống hành chính Nhà nước tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 đối với 34 TTHC được phê duyệt Phương án đơn giản hóa; 81 TTHC phê duyệt chỉ đạo triển khai thực thi; 88 TTHC phê duyệt chỉ đạo triển khai tiếp tục rà soát, thẩm định, đề xuất phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết thêm, riêng quý 3 năm nay, Đoàn kiểm tra công vụ, CCHC của tỉnh đã đẩy mạnh kiểm tra tại 3 sở, 5 đơn vị cấp huyện và 7 đơn vị cấp xã, nâng tổng số kiểm tra ở 5 đơn vị cấp sở, 6 đơn vị cấp huyện và 20 UBND cấp xã trong 10 tháng đầu năm, đạt hơn 90% tiêu chí chấm điểm chỉ số CCHC. Qua đó, phát hiện và chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế, thiếu sót mà các đơn vị cần tập trung khắc phục tập trung chủ yếu công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết TTHC, hồ sơ trễ hạn, sử dụng chữ ký số…
Gỡ những vướng mắc, khó khăn
Bên cạnh những kết quả, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, các đơn vị, cơ quan chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra; tác động trực tiếp đến chỉ số PAR INDEX năm 2024.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cấp sở toàn tỉnh đạt 58,89%, cấp huyện đạt 75,41%, cấp xã 68,27% (đạt chỉ tiêu chung kế hoạch đề ra). Tuy nhiên vẫn còn một số sở đạt dưới mức chỉ tiêu chung của tỉnh như: Sở Y tế chỉ đạt 44,91%; Sở Tài Nguyên và môi trường 29,92%; Sở Kế hoạch và đầu tư 24,07%; Sở Giao thông vận tải 22,95%...
Tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC: tại cấp sở chỉ đạt 18,11% (hiện tại chỉ có Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học và công nghệ đạt chỉ tiêu tối thiểu 70%). Tiến độ triển khai thanh toán trực tuyến ở một số địa phương triển khai chậm. Vẫn còn ghi nhận trường hợp lãnh đạo không sử dụng chữ ký số hoặc sử dụng chữ ký số chưa thường xuyên, nhất là cấp xã của các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành.
Sau 1 tháng ký cam kết (đầu tháng 10 đến đầu tháng 11-2024) giữa Bưu điện tỉnh và Công an tỉnh, toàn tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký ô tô, xe máy trên 3,1 ngàn phương tiện (634 ô tô; 2549 xe máy) nhưng số lượng chuyển qua dịch vụ bưu chính công ích chỉ đạt 6% (177 phương tiện, ô tô 11%, xe máy 4%).
“Dù trung tâm nhưng Công an thành phố Biên Hòa chỉ đạt 4%, cao nhất với Công an huyện Thống Nhất là 36% và cá biệt 0% đối với Công an các địa phương: Nhơn Trạch, Tân Phú, Trảng Bom và 1% ở Vĩnh Cửu, Định Quán, Long Thành… một trong những nguyên nhân khó khăn là cán bộ, nhân viên bưu điện chưa được tham gia ngay từ khâu đầu”, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Dương Thị Việt Hương cho biết…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn. “Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt tại các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI…”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ đạo.
Đồng thời, giao Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chấn chỉnh thái độ làm việc, phong cách phục vụ nhân dân của một bộ phận công chức, đảng viên trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức hội nghị đảng viên, cán bộ toàn tỉnh quán triệt, xốc lại tinh thần làm việc, lề lối và phong cách phụng sự nhân dân.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh khẩn trương tham mưu kế hoạch kiểm tra, thanh tra công vụ một số vụ việc xử lý chậm để kiểm điểm, chấn chỉnh, cảnh tỉnh toàn hệ thống công chức nhà nước cách thức phụng sự nhân dân. “Bệnh” đã biết rồi thì phải trị dứt điểm để xử lý công việc cho tốt hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Nguyệt Hà/Báo Đồng Nai