Phát hành bộ tem Bưu chính: “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 28/8/1941)”


Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí tham gia hoạt động Cách mạng khi mới 15 tuổi và được đi "vô sản hoá" vào tháng 8/1928 ở vùng mỏ Đông Bắc. Chỉ một năm sau, đồng chí đã trở thành người chỉ đạo trực tiếp phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có lực lượng công nhân đông đảo nhất lúc bấy giờ.

 

Tháng 6/1929, đồng chí được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Hà Nội.

 

Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập chi bộ Đảng CSVN ở mỏ Mạo Khê, chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng ta ở Vùng mỏ Quảng Ninh và dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng như Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.

 

Cùng với các đồng chí của mình: Tô Hiệu, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu... Nguyễn Văn Cừ đã tập trung khôi phục cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và thành công trong việc khôi phục Xứ uỷ Bắc Kỳ.

 

Năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ  được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, khi đó đồng chí tròn 26 tuổi, đồng chí là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta. Đồng chí là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm "Tự chỉ trích" (7/1939).

 

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ đã quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng trong chuyển hướng cách mạng mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc -giai cấp, xây dựng Đảng và phương pháp cách mạng trong tình hình mới. Đây là quyết định đặt cơ sở quan trọng để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược cách mạng dẫn tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

 

Tháng 6/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn cùng với một số đảng viên khác. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp ghép đồng chí vào tội đã thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương", "chủ trương bạo động" và là "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ", đồng chí đã bị địch kết án tử hình.

 

Ngày 28/8/1941, bản án được thi hành cùng lúc với một số Đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu...tại trường bắn Hóc Môn.

 

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 28/8/1941)”, phát hành đúng ngày sinh của đồng chí (9/7/2012), gồm 1 mẫu tem, giá mặt 2000đ.
 

 

 

Bộ tem do hoạ sỹ Đỗ Lệnh Tuấn (thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) thiết kế theo phong cách đồ hoạ với hình ảnh nổi bật trên tem là chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với hình ảnh cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), sự kiện gắn liền với sự nghiệp hoạt động Cách mạng của đồng chí.